Kiên trì mục tiêu xây dựng nhà trường văn hóa
Giáo dục - Ngày đăng : 08:00, 16/07/2016
Trường THCS Nguyễn Du là đơn vị tích cực trong xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch. Ảnh: Thái Hiền |
Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục
“Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” là CVĐ cụ thể hóa của nhiều chỉ thị, nghị quyết về vấn đề giáo dục, trong đó trọng tâm là xây dựng trường lớp khang trang, hiện đại và đồng bộ theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, xây dựng người Hà Nội văn minh. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đánh giá: CVĐ phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các nhà trường, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về đào tạo nhân lực. Chính vì vậy, CVĐ đã tác động tích cực đến từng thành viên trong mỗi cơ sở giáo dục, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT, tạo niềm tin cho toàn xã hội về những bước chuyển của ngành thời gian qua.
Nhận thức rằng, việc thực hiện CVĐ xây dựng “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” là nhân tố quan trọng tạo sự ổn định phát triển của mỗi nhà trường, nâng cao chất lượng, phẩm chất, năng lực nhà giáo, xây dựng đội ngũ nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch, ngành GD-ĐT Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực, tập trung sự quan tâm, đầu tư để làm lan tỏa sâu rộng CVĐ tới từng đơn vị giáo dục. Khi phát động CVĐ, ngành GD- ĐT quận Long Biên đã xác định rõ đây là điều kiện thuận lợi, là định hướng quan trọng để GD-ĐT Long Biên phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng. Bà Lưu Thị Bích Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Long Biên cho biết, trong 10 năm qua, quận Long Biên đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây mới 23 trường học, cải tạo, nâng cấp các trường hiện có theo tiêu chí chuẩn. Đây cũng là một trong số không nhiều đơn vị của thành phố có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt ở mức trên 80% trở lên.
Với toàn ngành, việc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia là một nội dung quan trọng, tạo tiền đề cần thiết để thầy - trò cùng dạy tốt - học tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Từ chỗ nhiều nơi cơ sở vật chất, thiết bị còn thiếu thốn, đến nay, Hà Nội đã có hơn 1.100 trường học đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số trường của toàn thành phố. Các hạng mục phụ trợ cũng được tập trung đầu tư đồng bộ như lắp đặt hệ thống chiếu sáng đạt chuẩn, mua sắm thiết bị theo danh mục dạy học phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cấp học, xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4…
Tạo sức bật về chất lượng
Ngành giáo dục Thủ đô đã cụ thể hóa từng nội dung của CVĐ thành những tiêu chí cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế khi triển khai và chỉ đạo áp dụng thống nhất trong toàn ngành. Với mục tiêu xây dựng nhà trường văn hóa, các tiêu chí cần hướng tới là khung cảnh sư phạm xanh - sạch - đẹp, mối quan hệ giao tiếp, ứng xử giữa các đồng nghiệp, thầy - trò nhân ái, thân thiện… Đối với nội dung nhà giáo mẫu mực, tiêu chí hướng tới không chỉ là xây dựng người thầy giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề, mà còn là người thầy tận tâm, coi học trò như con, có đạo đức, nhân cách mẫu mực, làm gương cho học trò noi theo.
Trong quá trình thực hiện CVĐ, hướng theo những tiêu chí chung, mỗi nhà trường lại có những sáng tạo, lựa chọn cho mình những điểm nhấn riêng, những nhiệm vụ cần ưu tiên trước mắt để tạo nên sức bật của riêng mình. Với đặc thù là trường dạy nghề, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội chọn việc nâng cao chất lượng chuyên môn làm nền tảng để triển khai CVĐ, thông qua việc đầu tư xây dựng xưởng thực hành với đầy đủ dụng cụ, vật tư, các mô hình thí nghiệm hiện đại. Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) tập trung đổi mới phương pháp, tích cực dạy học theo hướng tích hợp để giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh. Trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy) đặt mục tiêu hoàn thiện đội ngũ theo các tiêu chí của “Nhà giáo mẫu mực”, với nội dung cụ thể là phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp, là tấm gương mẫu mực không chỉ cho học trò, mà đối với cả đồng nghiệp…
Điểm nhấn của giáo dục Thủ đô trong 10 năm qua là việc biên soạn, đưa vào giảng dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch” cho học sinh ở cả ba cấp học. Bộ tài liệu không chỉ được dùng cho học sinh, mà còn cho cả các nhà giáo Hà Nội, cho các bậc phụ huynh học sinh tham khảo để cùng xây dựng, bồi đắp cho thế hệ tương lai của Thủ đô một phong cách hào hoa, thanh lịch. Đây được coi là nội dung nhằm cụ thể hóa các tiêu chí “học sinh thanh lịch”, tạo nền tảng, động lực cho học sinh Thủ đô hướng tới những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội. Các em không chỉ học giỏi, mà còn năng động trong các hoạt động tập thể, tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện bằng những phong trào đã trở thành truyền thống: Học sinh Thủ đô nhường một phần quà sáng cho các bạn học sinh nghèo, hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…
Những nỗ lực ấy đã tạo nên sức bật mạnh mẽ, toàn diện ở các nhà trường của Thủ đô, góp phần giữ vững vị thế là đơn vị “đầu tàu” về GD-ĐT của cả nước trong nhiều năm qua.