Thiết thực, tránh bệnh hình thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:05, 17/07/2016
Theo bản quy hoạch này, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, 70% số thôn (ở khu vực miền núi là 50%) có nhà văn hóa - khu thể thao, 80% số xã (riêng ở khu vực miền núi là 60%) có trung tâm văn hóa - thể thao, 90% số đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa - thể thao, 100% số đơn vị hành chính cấp tỉnh có trung tâm văn hóa. Quy hoạch này còn đề cập tới việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; vấn đề huy động nguồn vốn, tiêu chí sử dụng cán bộ… Quan điểm chung là nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân, đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương.
Hiện trên địa bàn Hà Nội, tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện đều có thiết chế văn hóa đạt chuẩn; có hơn 3.500 nhà văn hóa hoặc hội trường họp dân được xây dựng ở các thôn, làng, tổ dân phố… Những số liệu cơ bản cho thấy, Hà Nội là địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về hệ thống thiết chế văn hóa cấp huyện.
Thực tế cho thấy, vấn đề quan trọng nhất đối với Hà Nội không phải là xây thêm nhà văn hóa cơ sở bởi Thủ đô hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu theo quy hoạch chung, mà là nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa. Quan trọng là phải làm sao để thiết chế văn hóa phát huy được vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân, xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào hình thành lối sống, nếp sống văn minh trong cộng đồng. Nói điều này là bởi thời gian qua, tại Hà Nội, dù đã có những điểm sáng trong vận hành mô hình nhà văn hóa, trung tâm thể thao một cách thiết thực, vẫn còn nhiều cơ sở chưa trở thành điểm đến thường xuyên của người dân dù được xây dựng với khoản kinh phí lớn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó quan trọng nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ lo việc tổ chức các hoạt động tại nhà văn hóa chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Do sự hạn chế về kinh phí từ nguồn ngân sách, công tác xã hội hóa việc tổ chức hoạt động chưa hiệu quả nên các chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thông tin - tuyên truyền kém hấp dẫn, không được tổ chức thường xuyên. Một nguyên nhân khác không kém quan trọng, là ý thức của một số cán bộ cơ sở về vai trò và tầm quan trọng của thiết chế văn hóa đối với nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chưa cao, gây cảm giác rằng nhà văn hóa như “vật trang sức” cho các văn bản liên quan tới xây dựng nông thôn mới, báo cáo “tiến độ” triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” - một biểu hiện của bệnh hình thức.
Sự hạn chế trong quản lý, vận hành nhà văn hóa không chỉ xuất hiện ở Hà Nội, mà còn ở tất cả các địa phương khác, cần có giải pháp khắc phục. Có ba phần việc cơ bản cần được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng nhằm xác định giải pháp hành động khả thi cho giai đoạn tiếp theo. Thứ nhất, cần tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp với đối tượng này nhằm nâng cao tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm của họ trong tổ chức hoạt động tại nhà văn hóa. Thứ hai, tạo quy chế thông thoáng để phía quản lý nhà văn hóa phát huy tinh thần tự chủ, huy động nguồn lực xã hội hóa phục vụ cho tổ chức hoạt động một cách đa dạng, thường xuyên, phù hợp với nhu cầu thực tế. Thứ ba, xác định trọng điểm đầu tư xây dựng mô hình nhà văn hóa trong thời gian tới, trong đó, cần ưu tiên cho khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chung cư tập trung, địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, đối với các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao quy mô lớn, nằm ở địa bàn thuận lợi, cần nghiên cứu tích hợp nội dung của nhiều loại hình thiết chế văn hóa - thể thao (hoạt động thư viện, bơi lội, rạp chiếu phim, khiêu vũ...) để tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình 04 về “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Một trong những phần việc mà ngành văn hóa Thủ đô tiến hành là rà soát hệ thống nhà văn hóa, xây dựng quy chế quản lý hệ thống thiết chế này. Trong việc này, mục tiêu cần đạt được là tạo cơ chế quản lý phù hợp, giúp cho hệ thống nhà văn hóa trở thành mô hình thiết thực với người dân, tránh hiện tượng “xây rồi để đấy” hoặc hoạt động kém hiệu quả.