Bài cuối: Nông dân không thể "tự bơi"

Kinh tế - Ngày đăng : 07:44, 17/07/2016

(HNM) - Cần định hướng cho nông dân trong sản xuất tránh tình trạng phát triển tự phát, bởi họ không thể

Hỗ trợ vốn, cơ sở hạ tầng

Để việc chuyển đổi được thuận lợi, việc xem xét, đổi mới cơ chế chính sách tín dụng nông thôn trong huy động các nguồn vốn cho vay thông qua các quỹ phát triển, các mục vay đặc thù ưu tiên phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới (NTM) là vấn đề được đông đảo người dân kiến nghị. Ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (Quốc Oai) đề nghị: Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất linh hoạt theo vùng và đối tượng nghèo, đối tượng cây, con giúp người dân được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. "Khi hội tụ đầy đủ điều kiện sản xuất tốt thì mới có những sản phẩm chất lượng" - ông Lâm nhấn mạnh.

Cần có định hướng cho nông dân trong sản xuất, tránh tình trạng phát triển tự phát. Ảnh: Bá Hoạt


Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn đề nghị: Thành phố tiếp tục hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi nội đồng, điện, nước đối với các vùng sản xuất tập trung. Ngoài ra, tiếp tục tháo gỡ các chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế sản xuất ở các địa phương. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn ngân hàng mở rộng quy mô sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Cao Dương (Thanh Oai) Nguyễn Văn Thanh đề xuất, các cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu, xem xét thời hạn cho thuê đất NN để các hộ gia đình, cá nhân yên tâm đầu tư sản xuất trên diện tích đất thuê. Theo ông Thanh, UBND cấp huyện ra quyết định cho thuê đất với thời gian theo thẩm quyền, hoặc sau 5 năm UBND xã xem xét ký hợp đồng tiếp, chứ không phải tổ chức đấu giá lại đối với các đối tượng thuê đất công ích của xã để thực hiện các dự án lớn như xây dựng trang trại chăn nuôi.

Tuân thủ quy hoạch, kế hoạch

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, để việc chuyển đổi ổn định và bền vững, cần tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, kế hoạch, quy mô diện tích của từng địa phương theo lộ trình làm căn cứ để địa phương triển khai; chuyển nhanh, chuyển mạnh diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu và nuôi thủy sản. Cần bố trí mùa vụ hợp lý, nhóm cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái, cây trồng chuyển đổi có sức cạnh tranh cao. Việc chuyển đổi phải gắn với quy hoạch phát triển NN trong mục tiêu trung hạn và dài hạn, để có chiến lược bảo tồn, sử dụng đất NN trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho rằng, trong bối cảnh sản xuất NN đang bị tác động do biến đổi khí hậu, vấn đề đặt ra cho Hà Nội và các địa phương là phải nhanh chóng tìm mọi giải pháp nhằm thúc đẩy được chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ. Các cấp quản lý phải tăng cường vai trò làm “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp bằng việc thực hiện nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực NN, nông thôn. Cần nhân rộng những điển hình nông dân sản xuất giỏi trên lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là chuyển đổi phù hợp với chủ trương của Nhà nước theo Thông tư 47/2013/TT-BNNPTNT ngày 8-11-2013 của Bộ NN&PTNT là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng không làm mất diện tích đất trồng lúa và giúp tăng hiệu quả kinh tế, xã hội trên cùng một diện tích đất. Đây là mô hình sinh thái bền vững giúp giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn.

Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ thông tin thị trường giúp nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi. Đặc biệt chú trọng xây dựng chuỗi liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính đặc thù của từng địa phương; đẩy mạnh liên kết “bốn nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NN, khuyến khích nhân dân tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc: Hiện nhiều khu chuyển đổi có tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhưng vẫn chưa được phê duyệt do vướng quy định liên quan đến đất lúa. Để tháo gỡ khó khăn này, thành phố cần sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang chuyên canh thủy sản hoặc chăn nuôi kết hợp thủy sản. Đồng thời, chính sách cho thuê đất cần linh hoạt để doanh nghiệp cũng như các hộ yên tâm đầu tư, sản xuất.

Ngọc Quỳnh - Đào Huyền