Hình ảnh hiếm hoi về hồ dung nham trong lòng “Cổng địa ngục”

Công nghệ - Ngày đăng : 15:58, 18/07/2016

(HNMO) – Những hình ảnh ấn tượng mang đến cho người xem cái nhìn chân thực về một trong những hồ dung nham lâu đời nhất thế giới nằm tại ngọn núi lửa vốn được mệnh danh là "Cổng địa ngục".

Nhiếp ảnh gia 38 tuổi người Bồ Đào Nha Joel Santos đã vô cùng mạo hiểm khi tiếp cận mép hồ dung nham sủi bọt với nhiệt độ luôn vượt quá 1.100 độ C.

Hồ dung nham này nằm tại Afar Ethiopia, có dòng chảy liên tục kể từ năm 1906 và nằm bên trong núi lửa Erta Ale cao 613m - vốn được mệnh danh là "Cổng địa ngục".

Đợt phun trào lớn gần đây nhất của núi lửa này là vào tháng 9/2005, buộc người dân và vật nuôi tại các khu vực lân cận phải tạm thời sơ tán.

Bản thân nhiếp ảnh gia Santos cũng nhận thức được mối nguy hiểm khi tiếp cận hồ dung nham này ở khoảng cách quá gần. “Đây là một trong những dự án nguy hiểm nhất mà tôi từng thực hiện. Tôi đã phải hết sức cẩn thận bởi mặt đất có thể bị nung chảy bất kỳ lúc nào”.

Santos mô tả: “Cứ 2 hoặc 3 phút, bạn có thể nghe thấy những tiếng rít nhỏ gây ra do áp lực bên dưới núi lửa. Sau đó, giống như những màn trình diễn pháo hoa, ngọn núi lửa bắt đầu phun những tia dung nham vào không khí”.

Sa mạc Danakil – nơi có ngọn núi lửa Erta Ale – cũng là nơi nóng nhất trên trái đất có sự sống tồn tại. Để giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của cái nóng như thiêu như đốt, nhiếp ảnh gia Santos chỉ có thể chụp hình vào sáng sớm hoặc ban đêm.

Santos chia sẻ: “Giống như một cuộc hành trình đi vào tâm trái đất, núi lửa Erta Ale cũng là một cánh cổng dẫn vào bên trong hành tinh của chúng ta”.

Hiện nay, còn rất nhiều điều mà các nhà khoa học chưa thể khám phá tại núi lửa Erta Ale, hồ dung nham cũng như các khu vực xung quanh.

Đây là một trong những nơi có nhiệt độ khắc nghiệt nhất trên trái đất, và các thổ dân sinh sống tại đây có phần không hiếu khách. Một số du khách đã bị bắt cóc, bị thương, thậm chí thiệt mạng khi đặt chân tới khu vực này.

Mai Chi