Nôn ra máu vì tự chữa bệnh khớp bằng thuốc “Miên”

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:41, 18/07/2016

(HNMO) - Bị bệnh khớp, đã đi bệnh viện TP Hồ Chí Minh điều trị, nhưng một bệnh nhân tại An Giang bỏ dở liệu trình, quay về quê điều trị thuốc “Miên” suốt 3 tháng và đã bị ngộ độc thuốc, nôn ra máu, phải nhập viện cấp cứu.

Bàn tay của một bệnh nhân bị biến dạng do viêm khớp dạng thấp.


Mới đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ Nguyễn Thị M, 42 tuổi, ngụ tại An Giang, nhập viện trong tình trạng nôn ra máu, xuất huyết đường tiêu hóa. Qua khai thác tình trạng bệnh sử, bác sĩ phát hiện người bệnh từng bị sưng khớp, đi khám và được chẩn đoán là viêm khớp dạng thấp. Bác sĩ đã cho chỉ định dùng thuốc kháng viêm để điều trị.

Tuy nhiên, sau một tuần dùng hết thuốc, người bệnh không quay lại tái khám mà được hàng xóm mách bảo có một loại thuốc “Miên” (thuốc của người dân tộc Khơ me ở An Giang) chữa bệnh khớp rất hiệu quả. Tin lời hàng xóm, chị Nguyễn Thị M đã mua về sử dụng và cảm thấy triệu chứng đau nhức giảm hẳn. Tuy nhiên, chị M phải sử dụng thuốc liên tục, khi ngưng dùng loại thuốc này, triệu chứng đau khớp xuất hiện trở lại. Tự chữa bệnh bằng loại thuốc “Miên” liên tục trong 3 tháng, chi Nguyễn Thị M bị nôn ra máu, phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Cao Thanh Ngọc - Phòng khám Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, bệnh viện bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị M có một thời gian dài sử dụng loại thuốc có chứa Corticoid, nên bị lệ thuộc thuốc. Bác sĩ phải vừa điều trị bệnh, vừa “cai thuốc” cho người bệnh. Hiện tại, người bệnh đã tạm ổn và an tâm điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ.

Theo bác sĩ Cao Thanh Ngọc, thuốc giảm đau có hai loại. Một là thuốc kháng viêm không chứa Corticoid. Nếu người bệnh tự sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ sẽ gây ra những tác dụng rất nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa hoặc làm tăng những biến cố về bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, gây suy thận... Hai là thuốc kháng viêm có chứa Corticoid. Khi mới dùng, người bệnh thấy rất thoải mái, dễ chịu, giảm đau, ăn ngon, ngủ dễ. Nếu người bệnh không biết, vẫn sử dụng trong một thời gian dài với liều cao thì sẽ dẫn đến những biến chứng như loãng xương, tăng huyết áp, tiểu đường, rạn da, dễ nhiễm trùng, đục thủy tinh thể…Những triệu chứng này gọi chung là hội chứng Cushing.

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc cảnh báo, bệnh viêm khớp không chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu người bệnh đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm và được chữa đúng thì khớp sẽ hết viêm, người bệnh sẽ hết đau và tránh được biến dạng khớp gây tàn phế về sau. Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cũng cần áp dụng các biện pháp khác như tập thể dục nhẹ nhàng, có chế độ ăn uống cân bằng, không cần kiêng các thực phẩm có chất tanh, trừ phi bị dị ứng. Nếu người bệnh đang dùng các loại thuốc có corticoid (cortison, prednisolon...), cần tránh các thức ăn có nhiều đường như bánh ngọt, chè...  và bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi (sữa và chế phẩm), kali (chuối, rau cải..).

Trong sinh hoạt, người bị viêm khớp cần lưu ý tránh đứng hoặc ngồi quá lâu; giữ tư thế thẳng cân đối khi đứng, đi và ngồi; dùng các ghế ngồi cao và có tay vịn giúp việc đứng lên dễ hơn. Khi nâng một vật nào đó, người bệnh cần nâng bằng cả hai tay; khi di chuyển đồ vật, nhất là vật nặng, nên đẩy, không nên nhấc lên; khi đi ngủ, nên nằm trên nệm chắc và đảm bảo ngủ đủ giấc; có thể tắm nước nóng trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng để giúp giảm đau.

Tuệ Diễm