Trật tự quốc tế phải dựa trên luật pháp
Thế giới - Ngày đăng : 06:29, 18/07/2016
“Đường 9 đoạn” không có giá trị pháp lý
GS Eric David (Khoa Luật - Đại học Tự do Brussels) cho rằng, phán quyết đã chỉ rõ Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế khi có tham vọng chiếm đoạt một vùng biển bằng ranh giới “Đường 9 đoạn”. Với phán quyết này, tham vọng của Trung Quốc không có bất cứ giá trị nào và rằng việc xác định ranh giới biển của các quốc gia trong khu vực được quy định trong UNCLOS. Từ quan điểm này cho thấy Trung Quốc đã hoàn toàn trái luật. Với tư cách là GS về luật quốc tế, ông E.David cho rằng hành vi ngăn cản của Trung Quốc đối với hoạt động đánh cá của tàu Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế là vi phạm về Luật Biển. Liên quan việc Trung Quốc đe dọa tiếp tục xây dựng Khu vực nhận dạng phòng không trên biển (ADIZ), GS E.David khẳng định các quốc gia không thể có ý định sở hữu không phận trên phần đất nhô cao trên biển. Nói cách khác, Trung Quốc chỉ được đòi hỏi quản lý không phận trong chủ quyền của mình. Theo GS E.David, phán quyết của Tòa trọng tài mang ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin cho các quốc gia trong khu vực và với nhân dân Trung Quốc, họ sẽ thấy chính phủ của mình thực hiện chính sách trái với luật pháp quốc tế và dư luận thế giới cho rằng Trung Quốc đưa ra một hình ảnh xấu đối với vị thế của họ trong mối quan hệ quốc tế.
Dư luận thế giới tiếp tục kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp trong hòa bình, tuân thủ luật quốc tế và hướng tới thịnh vượng chung trong khu vực. |
Chia sẻ luận điểm này, TS Gerhard Will, chuyên gia cao cấp về chính trị quốc tế, nguyên chuyên viên Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế Đức khẳng định, phán quyết của Tòa trọng tài xác định rằng các tuyên bố chủ quyền chính của Trung Quốc ở Biển Đông đã mâu thuẫn với UNCLOS. Theo ông G.Will, mặc dù phán quyết không có tác dụng trực tiếp và ngay lập tức, nhưng nó sẽ có ảnh hưởng đến hành vi của các bên, bao gồm cả Trung Quốc một cách gián tiếp. Nhìn thuần túy từ góc độ pháp lý, nếu một nước nào đó là thành viên của UNCLOS thì nước đó không có lý do gì để không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài.
Trong khi đó, Giám đốc Chương trình Minh bạch hàng hải Châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), ông Greg Polin nhận định, phán quyết của Tòa trọng tài tạo sự khích lệ trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm ở vùng biển này. Ông G.Polin cho rằng điểm quan trọng nhất trong phán quyết của Tòa trọng tài là bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” đối với “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc khái niệm này hoàn toàn bị xóa bỏ và không có giá trị pháp lý. Đây là phán quyết rất có ý nghĩa, không chỉ đối với Philippines mà còn cả các bên liên quan, đồng thời là một sự khích lệ đối với nỗ lực giải quyết các tranh chấp hàng hải bằng biện pháp hòa bình và thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế.
Cần tôn trọng luật pháp, bảo đảm an ninh khu vực
Đây là điều mà các học giả, nhà ngoại giao đến từ nhiều quốc gia đưa ra trong khuôn khổ Hội thảo về vấn đề Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Châu Á của Ấn Độ (CASS-India) tổ chức tại New Delhi ngày 15-7. Hội thảo nhấn mạnh tất cả các bên cần tôn trọng phán quyết và ủng hộ tinh thần thượng tôn luật pháp, nhất là UNCLOS; cần thể hiện sự tôn trọng phán quyết, chấm dứt mọi hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, trong đó có các hoạt động xây dựng và bồi đắp trái phép. Mọi hình thức hoạt động quân sự lén lút hay công khai đều phải dừng lại ngay lập tức và ý định quân sự hóa Biển Đông dù bằng cách này hay cách khác sẽ có tác động to lớn tới hòa bình và ổn định khu vực…
Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã ra tuyên bố hối thúc Trung Quốc và Philippines giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini khẳng định các nước thành viên trong khối “nhận thức rõ” phán quyết của Tòa trọng tài. EU nhấn mạnh các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, “làm rõ các tuyên bố của mình và theo đuổi những tuyên bố đó theo cách tôn trọng và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Cùng quan điểm này, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài có ý nghĩa ràng buộc đối với cả hai bên. Bà J.Bishop tuyên bố tất cả các quốc gia có yêu sách đều được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đồng thời nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực Đông Á và phán quyết của Tòa trọng tài là một trường hợp thử nghiệm quan trọng cho khu vực trong quản lý các tranh chấp một cách hòa bình.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Canada Victor Oh đã ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại về những tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông, đồng thời hối thúc các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Trước đó, Thượng nghị sĩ Canada Tobias C.Enverga Jr. cũng gửi thông cáo báo chí nhấn mạnh, phán quyết là một “tuyên bố rõ ràng của cộng đồng quốc tế về việc yêu sách của Trung Quốc không được chấp nhận”. Ông hối thúc Chính phủ Canada làm mọi việc trong khả năng để bảo đảm các bên liên quan tuân thủ công ước quốc tế, đồng thời kêu gọi Chính phủ Trung Quốc thực thi nghĩa vụ quy định trong UNCLOS mà Bắc Kinh đã phê chuẩn năm 1996.
Lào ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình Ngày 16-7, bày tỏ quan điểm đối với tình hình Biển Đông, quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lào, ông Bounnem Chuonghom cho biết: “Lào theo dõi sát sao tình hình Biển Đông bởi đây là khu vực quan trọng và nhạy cảm. Lào hài lòng ghi nhận những tiến triển đạt được trong việc tổ chức thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), bao gồm cả việc tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy tiến trình này. Lào kêu gọi các bên liên quan tiếp tục kiềm chế và thảo luận nhằm giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình”. |