Bài cuối: Khó xử lý vì chưa có... chế tài!
Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 18/07/2016
Xử lý không xuể?
Ngay từ đầu năm 2014, Công an (CA) TP Hà Nội và Sở Y tế đã ký Quy chế phối hợp bảo đảm ANTT giữa CATP với Sở Y tế và các BV trên địa bàn. Theo đó, CATP đã triển khai lực lượng Cảnh sát bảo vệ bảo đảm ANTT tại các BV lớn trên địa bàn thành phố; phối hợp với các BV thành lập và duy trì đường dây nóng tại các điểm tập trung đông người ở khu vực BV để nhanh chóng tiếp nhận, giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến công tác bảo đảm ANTT...
Theo Trung tá Nguyễn Hà Trung - Phó trưởng Công an phường (CAP) Phương Mai (quận Đống Đa), khoảng giữa năm 2014, Giám đốc CATP đã cử Đại đội 2 thuộc Phòng Cảnh sát bảo vệ chốt thường trực ngay ở cổng chính BV nhằm giải quyết các vụ việc có nguy cơ mất ANTT tại đây. Ngoài ra, để duy trì trật tự ở khu vực ngoài cổng và trong BV Bạch Mai, CAP cũng như CA quận phối hợp với lực lượng bảo vệ của BV, bố trí mạng lưới bí mật nắm diễn biến tình hình, quy luật của các đối tượng trên địa bàn; đồng thời bố trí lực lượng cảnh sát trật tự, tự quản tuần tra, bảo đảm ANTT ngay từ cổng BV để nhân dân yên tâm khi đến thăm khám và điều trị…
Còn ở khu vực BV Việt-Đức, Thiếu tá Vũ Thế Cường - Trưởng CAP Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý ANTT khu vực bên ngoài BV Việt-Đức) cho biết: Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, CAP đã xử lý 56 trường hợp taxi và xe ôm dừng, đỗ sai quy định, thu số tiền phạt trên 12,2 triệu đồng; xử lý 46 trường hợp bán hàng rong và 11 trường hợp đổ rác sai quy định, thu số tiền phạt trên 15 triệu đồng... Khó khăn lớn nhất hiện nay là số lượng bệnh nhân và người nhà ra vào BV quá đông, tình trạng người nhà vạ vật tại vỉa hè, lòng đường, chờ bệnh nhân diễn ra thường xuyên khiến lực lượng chức năng căng hết mình để nhắc nhở, xử lý nhưng không xuể. Trước cổng BV thường xuyên có hàng chục taxi xếp hàng chạy chậm qua khu vực này để chờ đón khách nhưng do không có chế tài xử lý khi taxi chưa dừng, đỗ..., nên việc ùn tắc là khó tránh khỏi.
Hai năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp giữa CATP Hà Nội với Sở Y tế và các BV trên địa bàn, CATP đã bắt, xử lý 38 vụ cò mồi gây mất ANTT; tiến hành điều tra, xác minh làm rõ 158 vụ trộm cắp tài sản tại các BV; 9 vụ lừa đảo; 3 vụ cướp tài sản cùng nhiều vụ chống người thi hành công vụ khác; xử lý 197 vụ gây rối trật tự công cộng... Qua đó, tình trạng mất cắp tài sản của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giảm đáng kể. |
Phải "chuẩn hóa" đội ngũ bảo vệ
Theo thống kê, từ tháng 11-2013 đến nay, Bộ Y tế tiếp nhận hơn 43 nghìn cuộc gọi của người dân phản ánh qua đường dây nóng về những bất cập trong hoạt động khám, chữa bệnh, trong đó có khoảng 40% số cuộc gọi phản ánh tình hình ANTT, quy trình khám, chữa bệnh, thái độ của cán bộ y tế.
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng: An ninh BV trở thành vấn đề bức xúc của xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều trị cho bệnh nhân tại đây. Vì vậy, vai trò của lãnh đạo BV trong tổ chức an toàn BV là hết sức cần thiết. An ninh phải thắt chặt, nhưng thường thì bộ phận này là do BV thuê từ các công ty khác. Do đó, BV phải tìm những nơi có uy tín để những người làm an ninh có trách nhiệm với công việc.
Trên thực tế, các bác sĩ kiêm giám đốc vẫn lo làm công việc chuyên môn nhiều hơn, hầu hết không có nhiều kiến thức kinh tế, ít kinh nghiệm kinh doanh, quản lý. Từ đó xuất hiện nhiều bất cập trong quản trị nguồn lực con người, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị BV. Về vụ việc “Bảo vệ ngăn cản xe cứu thương chở bệnh nhi bóp bóng xin về nhà tại BV Nhi trung ương” gần đây, Giám đốc BV Nhi trung ương Lê Thanh Hải thừa nhận: Với vai trò quản lý, BV đã không làm tốt vai trò giám sát lực lượng bảo vệ. Hết tháng 7-2016, BV sẽ dừng hợp đồng làm việc với Công ty Bảo vệ AZ (đơn vị để xảy ra sự việc trên) và sẽ thông báo tìm đối tác bảo vệ mới...
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt-Đức, ưu điểm của việc cất nhắc bác sĩ có chuyên môn giỏi lên quản lý BV là vì bác sĩ đó biết cách phát triển chuyên môn, có kế hoạch quản lý chuyên môn, có khả năng quyết định vấn đề tài chính phục vụ chuyên môn. Tuy nhiên, phần lớn bác sĩ - giám đốc không được đào tạo về quản trị BV, họ bỏ nhiều thời gian vào chuyên môn, xao nhãng việc quản lý...
Cũng đề cập đến giải pháp bảo đảm ANTT tại các BV, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê khẳng định: Phải coi trọng an toàn, an ninh BV như công tác khám, chữa bệnh. Vì vậy, thời gian tới, qua phản hồi của người bệnh, chúng tôi kiên quyết loại bỏ ra khỏi cơ sở khám, chữa bệnh các đối tượng có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực gây bức xúc cho người bệnh, các đối tượng có hành vi tiêu cực, liên kết với hãng vận chuyển gây phiền hà cho người bệnh. Cùng với đó "chuẩn hóa" công tác bảo vệ chuyên nghiệp hơn, chỉ đạo BV đào tạo, cấp chứng nhận về quy tắc ứng xử cho đội ngũ bảo vệ, đặc biệt là bảo vệ từ các công ty hợp đồng, coi đây là điều khoản bắt buộc với các nhân viên bảo vệ làm việc tại BV. Mặt khác, yêu cầu các BV gắn camera tại cổng để giám sát quá trình điều hành ra, vào tại đây”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với bệnh nhân và người nhà của họ, những lời hứa trên đây có được thực hiện không vẫn cần phải có thời gian để kiểm chứng.