Ông “sứ giả đỏ”
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:24, 18/07/2016
(HNM) - Một buổi chiều đầu tháng bảy, anh bạn giảng viên ở Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đưa cho tôi kết quả vận động hiến máu của gia đình ông Lê Đình Duật và bà Lê Thị Kim Dinh ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân và kể: “17 năm qua ông bà đã vận động được hơn 483 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện với 438 đơn vị máu an toàn, gia đình ông bà cũng hiến được 114 đơn vị máu tốt cho Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Họ thực sự là những “sứ giả đỏ” của phong trào vận động hiến máu cứu người”.
“Món nợ” cuộc đời
Ông Lê Đình Duật nói: “Tôi chỉ sống có một lần trong đời. Nếu có thể làm bất cứ điều tốt đẹp tôi sẽ thực hiện ngay không chậm trễ. Máu cũng giống như món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho mỗi chúng ta. Bây giờ, hằng ngày, hằng giờ, trên khắp cả nước ta, có những lúc vì không đủ máu cung cấp, nhiều bệnh nhân đã vĩnh viễn ra đi. Chỉ cần một phần máu trong cơ thể đã cứu được rất nhiều người, sao chúng ta không làm?”.
“Sứ giả đỏ” Lê Đình Duật. |
Ông Duật có một tuổi thơ vất vả. Mười mấy tuổi đầu đã phải nhọc nhằn mưu sinh. Học xong lớp 10, ông lên đường nhập ngũ và trở thành anh bộ đội Cụ Hồ thuộc Sư đoàn phòng không 361. Cái duyên hiến máu của ông thật tình cờ. Năm 1966, một lần đơn vị hành quân qua trạm quân y thuộc chiến trường quân khu IV. Lúc bấy giờ có nhiều thương binh nặng hy sinh vì không đủ máu để truyền. Không phải là công việc của mình nhưng trong lòng ông cứ day dứt, xót xa. Kể từ ấy, ông luôn coi đó như “món nợ” với đồng đội. Sau đó, tháng 6 năm 1967, khi đang chiến đấu bảo vệ Hà Nội thì ông nhận được tin bố vợ bị bom Mỹ sát hại. Do vết thương quá nặng, mất nhiều máu, dù đã được cấp cứu nhưng vì không có máu để truyền nên đã qua đời. “Thật đau lòng. Do không có máu mà đồng đội, đồng bào và cả người thân của mình đã phải lìa xa cõi đời này. Đó là “món nợ” mà tôi luôn nghĩ phải trả”.
Rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, tham gia làm công tác chữ thập đỏ, ông có cơ hội thực hiện tâm nguyện trả “món nợ” mà mình đã ấp ủ bấy lâu nay. Năm 1999, ông tích cực tham gia phong trào hiến máu nhân đạo ở địa phương. Việc đầu tiên là ông đến Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đăng ký hiến máu nhưng bị từ chối vì lí do ông huyết áp thấp không đủ điều kiện hiến máu. Ông Duật buồn rầu, nhưng lại nghĩ không trực tiếp hiến máu mình sẽ đi vận động người khác cho máu để cứu người. Nghĩ là làm, ông về vận động mọi người từ vợ, con, cháu trong gia đình đến những người dân trong khu phố. Ban đầu, ông gặp nhiều khó khăn vì không ít người cho rằng “một giọt máu bằng sáu bát cơm” nên không tham gia và không cho phép con em mình hưởng ứng. Ông Duật ôn tồn giải thích rằng đó là một việc làm hết sức nhân văn có ý nghĩa thiết thực để cứu sống mạng người, rằng bây giờ giả sử gia đình họ có người bị ốm cũng cần đến máu mà không có thì sao. Hơn nữa, hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe…
Nhiều năm đi vận động hiến máu, ông Duật thấm thía rằng, “Muốn vận động người khác thì trước tiên gia đình mình phải làm gương”. Vợ con hiểu được tấm chân tình của ông, cũng như việc làm có thể mang lại sự sống cho nhiều người nên nhiệt tình tham gia. Đầu tiên là hai cô con gái Lê Thanh Hà và Lê Thanh Nam rồi đến vợ ông là bà Lê Thị Kim Dinh và con trai út Lê Quyết Thắng. Đến nay gia đình ông đã có 114 lần hiến máu nhân đạo, riêng cô con gái Lê Thanh Nam đã hiến máu tới 49 lần.
Nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông Lê Đình Duật nhanh chóng lan tỏa đến nhiều người. Những sinh viên sống trong các nhà trọ ở khu phố đều được ông vận động và lần lượt tham gia hiến máu. Suốt 17 năm qua, ông là một “sứ giả đỏ” và ngôi nhà của ông từ năm 2000 đến nay trở thành “địa chỉ đỏ” của những người tham gia hiến máu. Khi vận động người đi hiến máu, ông chọn gia đình mình làm điểm xuất phát. Từ những đồng lương tích cóp trong cuộc sống của hai vợ chồng, bà Dinh vẫn trích ra để mua đường, sữa để bồi dưỡng thêm cho những người hiến máu.
Có lần Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cần lượng máu lớn, ông đã lấy xe máy của nhà, thuê thêm xe ôm chở 6 người đến viện ứng cứu. Dù vậy, song không bao giờ ông muốn những bệnh nhân biết họ nhận được máu từ gia đình ông vì không muốn được trả ơn. Ông Duật nói: “Mình làm từ cái tâm chứ đâu phải vì đánh bóng tên tuổi và lợi lộc gì. Máu quý thật nhưng điều quý giá hơn là mang lại sự sống cho nhiều người. Giọt máu chính là giọt vàng được cho đi từ tấm lòng nhân ái, yêu thương con người và vì con người. Trong chiến tranh nhân dân ta không tiếc máu xương để giữ gìn hòa bình cho đất nước, không lẽ bây giờ hòa bình rồi chúng ta lại tiếc giọt máu với đồng bào mình?”.
Mở rộng “vùng phủ sóng”
Căn phòng của gia đình ông trên tầng 4 của khu tập thể nhưng lúc nào cũng ấm cúng. 130 tấm bằng khen, giấy khen, huân huy chương được treo ngăn nắp, trang trọng. Mặc dù về hưu năm 1991 nhưng ông Duật chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Ông tự thấy mình phải có trách nhiệm gây dựng các phong trào trong khu dân cư, từ việc thành lập hội hưu trí, hội cựu chiến binh, hội thanh niên đến đội săn bắt cướp để giữ gìn trật tự, an ninh trong khu phố.
Trong nhiều lĩnh vực ông tham gia thì việc tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo dường như là việc khó khăn nhất, vất vả nhất. Theo ông Duật, công tác vận động tuyên truyền vẫn chưa hết đối tượng, vì mới chỉ dừng lại ở thanh niên trong cơ quan, xí nghiệp, tổ chức hay trường học, sắp tới ông còn muốn mở rộng “vùng phủ sóng” để có thêm nhiều người tham gia hiến máu cứu người.
Không chỉ mong ngày càng có nhiều người hiến máu, ông còn quan tâm đến đời sống của những tình nguyện viên. Trong hội thảo toàn quốc về hiến máu nhân đạo, ông kiến nghị: Hãy coi như người đi hiến máu gửi máu của họ vào ngân hàng máu trung ương. Nếu người thân của người đó bị bệnh cần máu thì được truyền máu miễn phí đúng bằng số đơn vị máu họ đã gửi. Một cán bộ của ban vận động hiến máu nhân đạo trung ương đánh giá: “Gia đình ông Duật là gia đình tiêu biểu nhất trong phong trào hiến máu nhân đạo của cả nước. Ai cũng hiểu được trách nhiệm cao cả và ý nghĩa khi san sẻ những giọt máu như gia đình ông Duật sẽ hạn chế được bệnh nhân tử vong do thiếu máu”.
Hiện người cựu chiến binh 73 tuổi vẫn cần mẫn với các hoạt động của phường và làm công tác từ thiện. Ngoài ra, ông còn tích cực hưởng ứng phong trào gom sách cũ cho vùng sâu vùng xa. Năm 2015, gia đình ông bà đã được vinh danh “Gia đình hiến máu tiêu biểu”. Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất chính là tình cảm gắn bó, yêu thương của bà con lối xóm và hạnh phúc khi cùng gia đình tận tâm hiến những giọt máu quý giá để cứu người.