Khó, nhưng rất cần

Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 18/07/2016

(HNM) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Tài chính tiến hành rà soát, lập phương án so sánh tổng chi phí một đầu xe ô tô theo hình thức mua mới (tiền mua xe, sửa chữa, bảo hành, tiền xăng dầu, lái xe...) và hình thức thuê xe, từ đó đề xuất phương án thí điểm thuê xe phục vụ công tác cho các sở, ngành, quận, huyện.

Ngoài ra, thành phố cũng giao Sở Tài chính xây dựng phương án thí điểm khoán kinh phí tự túc phương tiện cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ô tô khi đi công tác. Vẫn biết việc này khó, nhưng rất cần phải làm...

Trước tiên phải khẳng định, khoán xe công là một chủ trương đúng và cần thiết. Cũng không phải cho đến bây giờ vấn đề này mới được nhắc đến và gây bức xúc trong dư luận khi một con số thống kê mới được công bố cho thấy cả nước đang dư thừa tới khoảng 7.000 xe công. Tuy nhiên, ở bất kỳ địa phương hay cơ quan, bộ, ngành nào, trong những giai đoạn vừa qua, để khoán được lại không đơn giản, bởi tồn tại nhiều rào cản. Thứ nhất là các quy định, quy chế chưa rõ ràng, thống nhất cho tất cả cơ quan từ trên xuống dưới. Thứ hai, người thực hiện chưa nhận thức đúng với yêu cầu nội dung thực hiện. Thứ ba, việc giám sát của cơ quan quản lý không chặt chẽ, thường xuyên, nên xử lý thiếu kiên quyết, triệt để hoặc không đủ sức răn đe… Hậu quả là có xe công ổn định, nhiều người lợi dụng xe công làm việc riêng làm ảnh hưởng ngân quỹ quốc gia… và làm mất lòng tin của người dân.

Để có thể thành công với chủ trương thí điểm khoán xe công, cần thực hiện quyết liệt. Đồng thời, phải có chính sách, cơ chế hợp lý nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch; tuyên truyền đầy đủ để các đối tượng trong diện được sử dụng xe công thực sự giác ngộ; cùng với đó có sự giám sát nghiêm, đi kèm chế tài nhằm tăng tính răn đe.

Kính Lúp