Bài đầu: Vướng đủ đường

Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 19/07/2016

(HNM) - LTS: Để tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) ở cơ sở, từ tháng 6-2015, TP Hà Nội đã thực hiện phân cấp thanh tra và quản lý vấn đề này. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, công tác quản lý ATTP ở cơ sở vẫn gặp khó khăn, vướng mắc.

80 con heo gắn mác tiêu chuẩn VietGap của ông Nguyễn Văn Toàn (Đồng Nai) cung cấp cho Công ty Vissan bị phát hiện dương tính với chất tạo nạc.


Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp manh mún, hệ thống cửa hàng kinh doanh nông, lâm, thủy sản của Hà Nội nhỏ lẻ, trong khi lực lượng cán bộ làm công tác quản lý ATTP tại các xã, phường, thị trấn còn thiếu nên hiệu quả công việc không cao…

Cán bộ xã "lơ mơ"

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Lừng, công tác quản lý ATTP ở cơ sở còn khó khăn do người dân chưa có kiến thức cơ bản về ATTP nên chưa tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc thông tin, báo cáo các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản nông sản sử dụng chất cấm, chất độc hại. Các huyện, thị xã đều thiếu dụng cụ, thiết bị máy móc để tác nghiệp, gây khó khăn cho việc lấy mẫu, phân tích mẫu nên chưa phát hiện được cơ sở sử dụng các loại hóa chất cấm, vượt mức cho phép trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Thực tế, các sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công thương quản lý chưa phân cấp về huyện, xã nên việc phối hợp với cơ quan quản lý của thành phố trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn phức tạp. Hầu hết các xã chưa quan tâm đến công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản; một số xã cấp giấy chứng nhận ATTP sai thẩm quyền nên công tác quản lý ATTP càng phức tạp.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc cho biết, toàn huyện có 389 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng huyện Quốc Oai đã phát hiện 3 trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc thú y hết hạn sử dụng, 3 cửa hàng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật… Đặc biệt, thời gian qua do có sự thay đổi nhân sự ở các địa phương, nên việc phân cấp quản lý ATTP ở các xã, thị trấn phức tạp, thậm chí nhiều nơi cán bộ chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này. Mặc dù văn bản đã ban hành đầy đủ, nhưng nhiều cán bộ xã lơ mơ không hiểu rõ quy định về quản lý ATTP nên khoán trắng cho cán bộ thú y và bảo vệ thực vật. Thậm chí, các xã đều thành lập Ban chỉ đạo về ATTP song hoạt động không thường xuyên nên hiệu quả thấp.

Thực tế, hiện nay việc triển khai ATTP ở cơ sở đều đang gặp khó bởi đa số các xã chưa được phân bổ kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra đánh giá phân loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Lãnh đạo phụ trách ATTP một số xã chưa nắm chắc quy định quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nên còn lúng túng trong chỉ đạo hoạt động...

Buông lỏng quản lý, giám sát

Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng cho biết, mỗi năm Việt Nam chi hàng tỷ đô la Mỹ để nhập khẩu kháng sinh trong khi trình độ nhận thức, khoa học kỹ thuật và điều kiện về nguồn lực phục vụ cho sản xuất của nông dân còn hạn chế, dẫn tới sản xuất sản phẩm không bảo đảm ATTP. Hiện việc phân cấp quản lý về ATTP của Chính phủ cho các địa phương rất rõ ràng, quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu xảy ra sự cố về mất ATTP, nhưng nhiều cơ sở chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này nên sản xuất bị buông lỏng.

“Nông dân sản xuất trên đồng ruộng cũng như chăn nuôi đều không được giám sát, thậm chí một số vùng rau an toàn vẫn phun thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ. Chăn nuôi theo hướng an toàn còn yếu, vẫn còn hiện tượng một số công ty được cấp giấy chứng nhận bán lợn VietGAP trà trộn sản phẩm nơi khác vào làm mất lòng tin cho người tiêu dùng. Điển hình là vụ nông dân ở tỉnh Đồng Nai được cấp trang trại nuôi lợn VietGAP, song lại bán 80 con lợn cho Công ty Vissan có nhiễm chất cấm. Điều đó cho thấy chưa có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương” - ông Thắng cho biết.

Sản xuất thì bị buông lỏng, khâu giết mổ và lưu thông trên thị trường cũng bộc lộ nhiều kẽ hở. Trưởng ban Thú y chăn nuôi xã Bình Minh (Thanh Oai) Đỗ Trung Bắc cho biết, toàn xã có 200 hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ. Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Tri Thủy (Phú Xuyên) Nguyễn Văn Ký, toàn xã có trên 10 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… nhưng đều tự phát và quy mô hộ gia đình nên chính quyền địa phương rất khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn, xã cũng chỉ nhắc nhở lấy sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, còn hầu như không xử phạt được trường hợp nào. Nguyên nhân chủ yếu là chính quyền xã không có cán bộ để thường xuyên kiểm tra, trong khi việc xác định chất lượng sản phẩm còn phải chờ lấy mẫu xét nghiệm mới xác định được.

(Còn nữa)

Quỳnh Dung