"Đau đẻ chờ... sáng giăng"!
Văn hóa - Ngày đăng : 06:47, 20/07/2016
Di tích đình Vĩnh Phệ (xã Chu Minh, huyện Ba Vì) đã xuống cấp cần được tu tạo. Ảnh: Hiếu Trần |
Hàng trăm di tích “kêu cứu”
Hà Nội sở hữu 5.922 DT, trong đó có 1 di sản thế giới, 11 cụm DT quốc gia đặc biệt và 2.384 DT đã được xếp hạng. Đa số DT được làm bằng gỗ, có niên đại hàng trăm năm, số lượng DT xuống cấp cần được tu bổ là rất lớn (khoảng 600 DT). Theo kết quả kiểm kê của ngành Văn hóa, Hà Nội hiện có hơn 200 DT bị xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng, cần tu bổ khẩn cấp. Điển hình như DT quốc gia đình Vạn Phúc (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) được xây dựng vào đầu thế kỷ XI, thờ Linh Lang Đại Vương, phong cách kiến trúc vô cùng độc đáo nhưng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Phó ban Quản lý DT đình Vạn Phúc Nguyễn Thị Thịnh cho biết, mỗi khi có trận mưa lớn, nước từ bên ngoài dồn vào trong đình, gây ngập úng và hầu hết chân, cột đã bị mục ruỗng, mái đình dột nát. Ngoài đình Vạn Phúc, quận Ba Đình còn có 9 DT khác cần được tu bổ, tôn tạo.
Không riêng Ba Đình, các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân cũng đang đối diện với mối lo về bảo tồn khi có hàng chục DT quốc gia đã bị xuống cấp, cần được tu bổ. Ở các huyện, danh sách DT quốc gia “xếp hàng” chờ đến lượt tôn tạo còn nhiều hơn khu vực nội thành. Nếu không được tu bổ kịp thời, các DT như đình Vĩnh Phệ (xã Chu Minh), đình Yên Bồ (xã Vật Lại), đình Đông Viên (xã Đông Quang)… tại huyện Ba Vì có nguy cơ trở thành phế tích.
Gỡ khó bằng cơ chế
Trong công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo DT, hệ thống văn bản hiện hành đã khá đầy đủ. Đó là “cây gậy” pháp lý để các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý đối với DT, song, do các quy định này được áp dụng trên phạm vi cả nước nên có một số điều chưa phù hợp với địa phương có mật độ DT dày đặc như Hà Nội.
Mặt khác, Nghị định 70/2012/NĐ-CP ngày 18-9-2012 của Chính phủ quy định, Bộ VH,TT&DL là cơ quan thỏa thuận chủ trương lập dự án và thẩm định dự án tu bổ DT quốc gia; Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố thỏa thuận chủ trương lập dự án và thẩm định dự án tu bổ DT cấp tỉnh, thành phố. Phân cấp là thế nhưng trên thực tế, việc thẩm định dự án tu bổ DT không đơn thuần là thẩm định về chuyên môn, mà còn liên quan tới vấn đề tài chính, kỹ thuật nên cần sự tham gia của nhiều ngành, mất rất nhiều thời gian, khi xong toàn bộ quy trình thì mức độ xuống cấp của nhiều DT đã trầm trọng thêm nhiều. Hơn nữa, quy định về tu bổ cấp thiết DT được nêu tại Điều 27, Thông tư số 18, ngày 28-12-2012 của Bộ VH,TT&DL cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế, do trình tự thủ tục gồm quá nhiều bước nên một số nơi đã tiến hành tu bổ theo kiểu “vượt rào”, gây tổn hại cho DT.
Trước những bất cập nói trên, Hà Nội đã xây dựng dự thảo “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội” cho phù hợp với đặc thù của Thủ đô, đồng thời đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho Hà Nội được chủ động trong trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo DT. Trưởng ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội Nguyễn Thị Hòa khẳng định, nếu được Chính phủ chấp thuận, Hà Nội sẽ có được sự chủ động khi thực hiện các phần việc liên quan đến tu bổ, tôn tạo DT; việc "cấp cứu" đối với các DT "bị bệnh nặng" sẽ hiệu quả hơn.