Siết chặt việc quản lý chất thải công nghiệp từ các doanh nghiệp FDI: Đòi hỏi cấp bách!
Đời sống - Ngày đăng : 06:16, 20/07/2016
Từ những sự cố môi trường nghiêm trọng thời gian gần đây, có thể thấy: Siết chặt quản lý chất thải công nghiệp, đặc biệt việc quản lý chất thải, phế thải từ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yêu cầu, đòi hỏi cấp bách.
Chất thải rắn tại khu vực Nhà máy Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ảnh: Duy Tuấn |
Những sự cố môi trường...
Sự cố môi trường nghiêm trọng mang tên Formosa gây hiện tượng hải sản chết bất thường và di hại cho môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung những tháng vừa qua là bài học đau xót. Bao giờ hệ sinh thái biển ở các tỉnh này được khôi phục như nguyên trạng vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Đáng nói hơn, đây không phải lần đầu một DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vi phạm các quy định về môi trường Việt Nam. Trở lại thời gian trước đó, có thể kể đến vụ Công ty TNHH Vedan Việt Nam “đầu độc” sông Thị Vải (năm 2008). Tiếp đó (năm 2010), chi nhánh Công ty cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (trụ sở tại xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), chuyên sản xuất nhôm thanh định hình xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng Sông Giẽ. Rồi vụ Công ty TNHH Pangrim Neotex xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra Sông Hồng (năm 2010)… Điều đó cho thấy sự coi thường, bất chấp pháp luật trong quá trình hoạt động của một số DN FDI tại Việt Nam.
Theo số liệu của Bộ TN-MT, ô nhiễm môi trường do nước thải từ khu công nghiệp (KCN) những năm gần đây có tốc độ gia tăng cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. Trong số hơn 200 KCN đang hoạt động, có 165 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 79%). Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này không vận hành thường xuyên, nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn. Đánh giá sơ bộ, vùng biển ven bờ các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh mỗi năm tiếp nhận hàng trăm nghìn tấn nước thải hữu cơ (Cod) và hàng chục tấn hóa chất từ thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng...
...và bất cập cần sửa đổi
Thực tế cho thấy, số tiền một cơ sở gây ô nhiễm phải nộp phạt nếu bị phát hiện thấp hơn nhiều so với khoản tiền cơ sở đó phải bỏ ra cho việc xử lý chất thải. Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, các vụ việc bức hại môi trường vừa qua đã gióng tiếng chuông báo động. Trong khi một số nhà khoa học cho rằng, tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam có lẽ chỉ phù hợp với giai đoạn cần thu hút đầu tư trước kia, đã gây bất lợi trong quá trình hội nhập quốc tế. Giờ đây chúng ta đã phát triển sang giai đoạn mới, cần phải xem xét lại các tiêu chuẩn môi trường...
TS Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công thương cho rằng, quy định ban hành nhiều, nhưng kiểm soát việc thực hiện quy định vẫn còn "hổng”. Trong khi ý thức bảo vệ môi trường của nhiều DN rất kém. Nhiều nhà máy ban ngày vận hành hệ thống xử lý chất thải, song đến tối xả thải trực tiếp ra môi trường. Điều này cho thấy vấn đề nằm ở khâu giám sát, kiểm soát. Tại sao chúng ta không có khâu kiểm soát trung gian, huy động cộng đồng giám sát, phát hiện ô nhiễm? Đây là một câu hỏi cần phải tiếp tục tìm cho ra lời giải.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Sinh, một bất cập khác là quy hoạch phát triển ngành chưa thực sự hiệu quả. Ví dụ, trong quy hoạch ngành hóa chất, mặc dù đã có phân vùng, nhưng một số địa phương lờ đi nhằm thu hút đầu tư bằng mọi giá. “Tôi tham gia Hội đồng ĐTM từng thấy nhiều dự án không có trong quy hoạch, song địa phương vẫn ký” - vị TS này cho biết thêm: “Luật có quy định, lập đánh giá môi trường chiến lược là một bước phản biện trong mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và môi trường, nhưng việc phản biện giữa những người làm công tác môi trường còn hạn chế”.
Theo TS Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa có nhiều quy định chưa theo kịp thực tiễn. Rõ nhất là tình trạng KCN phát triển trước, sau đó mới xây dựng quy chuẩn xả thải và buộc DN xử lý trước khi xả ra môi trường. Các chuyên gia môi trường đề nghị, bổ sung thêm các quy định về ĐTM tổng hợp, tức là ĐTM của dự án được xem xét trên nền tác động đồng thời của tất cả các dự án đang tồn tại. Đồng thời cần tính toán một cách nghiêm ngặt sức chịu tải môi trường của khu vực trong những điều kiện cực đoan, để bảo đảm nước thải không tác động đáng kể tới môi trường và các sinh vật biển trong bất cứ điều kiện nào. Cùng với việc nâng mức chuẩn về môi trường khi xem xét dự án đầu tư, cần tuyên truyền, nhân rộng mô hình để cộng đồng giám sát môi trường.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành TN-MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu: Kiểm soát các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ có xả thải ra môi trường, từ khâu lập đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM đến khi công trình hoạt động... Rõ ràng không thể vì kinh tế, thu hút đầu tư mà bỏ qua vấn đề môi trường, đánh đổi môi trường và đã đến lúc phải sử dụng chế tài mạnh, xử lý nghiêm các hành vi hủy hoại môi trường.