Cấp sổ đỏ đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa: Nhiều nơi thiếu quyết liệt
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 20/07/2016
Công tác cấp sổ đỏ sau dồn điền, đổi thửa chưa thực hiện đồng đều giữa các địa phương. Ảnh: Khánh Huy |
Kết quả chưa đồng đều
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để đẩy nhanh tiến độ, một số huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện cấp sổ đỏ đất nông nghiệp và thành lập tổ công tác giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các huyện đã tập trung chỉ đạo công tác đo đạc, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị công tác cấp sổ đỏ cho nhân dân. Một số huyện đã tiến hành đo đạc xong như Phú Xuyên, Thanh Trì, Gia Lâm; huyện Thạch Thất đã đo đạc được 50% diện tích và dự kiến hoàn thành việc này trong tháng 8-2016. Đặc biệt, huyện Ứng Hòa cấp được 137.101 sổ đỏ, đạt 83,76%; Đan Phượng cấp được 48.765 sổ đỏ, đạt 66,75%...
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín Phạm Văn Tập cho biết: Đến nay, huyện đã cấp đổi được 1.091 sổ đỏ đất nông nghiệp và tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc hoàn thiện hồ sơ để cấp cho các hộ sản xuất ổn định. Ông Tập khẳng định, Thường Tín đang thực hiện quyết liệt, về cơ bản không gặp khó khăn, vướng mắc và hoàn thành công tác cấp sổ đỏ sớm hơn một tháng so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện cấp sổ đỏ đất nông nghiệp sau DĐĐT giữa các địa phương chưa đồng đều. Tổng hợp của Tổ công tác liên ngành (Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy) cho thấy: Bên cạnh một số địa phương tích cực triển khai, một số nơi tiến độ triển khai chậm. Công tác cấp sổ đỏ đất nông nghiệp trên toàn thành phố mới đạt 118.376/919.974ha (đạt 20,4%). “Thậm chí một số huyện, thị xã triển khai thiếu quyết liệt, cán bộ chuyên môn thuộc các phòng, ban có liên quan trong công tác này còn lúng túng, thiếu nhất quán trong tham mưu thực hiện như Ba Vì, Sơn Tây” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.
Cơ bản không còn vướng mắc
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái (Phú Xuyên) Phan Duy Hưng cho biết: Địa phương còn gặp một số khó khăn trong cấp sổ đỏ đất nông nghiệp sau DĐĐT. Trường hợp chủ sử dụng đất cũ đã mất, theo quy định về cấp đổi cần phải có biên bản họp gia đình thống nhất giao cho ai thì mới cấp cho người đó. Tuy nhiên, trong trường hợp anh em mâu thuẫn không thỏa thuận được giao cho ai sẽ rất khó. Trao đổi về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong trường hợp này sẽ cấp cho đồng sử dụng. “Hiện cơ chế chính sách phục vụ cấp sổ đỏ sau DĐĐT về cơ bản không còn vướng mắc. Vấn đề chỉ còn ở chỗ cán bộ cơ sở vào cuộc như thế nào, bởi công tác cấp giấy đã được giao cho các huyện, thị xã” - ông Hùng nói.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 18 huyện, thị xã, ngoài một số vướng mắc đã được giải đáp tại chỗ, còn một số vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết, Tổ công tác đã đề nghị thành phố cho ý kiến chỉ đạo như: Việc thay đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc chăn nuôi; một số trường hợp có chênh lệch về diện tích sau DĐĐT so với thời điểm đất được giao theo Nghị định 64/CP. Về nội dung này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất việc cấp sổ đỏ mới ghi theo đúng diện tích thực tế hiện nay.
Để bảo đảm công tác cấp sổ đỏ đúng tiến độ, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện với tinh thần kế thừa tối đa tài liệu, bản đồ, sơ đồ đã có (không chờ kết quả đo đạc) nhằm triển khai nhanh, đúng tiến độ. Khi hoàn thành công tác đo đạc bản đồ sẽ thực hiện chỉnh lý biến động đất đai theo quy định.
Tại các buổi làm việc với một số địa phương về kết quả thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chỉ rõ: Hà Nội đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành công tác cấp sổ đỏ đất nông nghiệp xong trong năm 2016. Cơ chế để thực hiện đã rất thông thoáng. Với những khó khăn trong từng trường hợp cụ thể, cấp ủy, chính quyền cần vào cuộc tháo gỡ kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân... |