Nhớ Tết Quý Sửu - Tết hòa bình

Đời sống - Ngày đăng : 06:05, 21/01/2023

(HNMCT) - Tết Quý Sửu (1973) với những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí người Hà Nội sau 12 ngày đêm kiên cường chiến đấu với những “pháo đài bay”, “thần sấm”, “con ma” hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ.

Nụ cười của người Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm năm 1973. Ảnh: Tư liệu

Những dòng người từ nơi sơ tán trở về, mừng mừng tủi tủi gặp nhau, mắt đỏ hoe bên những góc phố, dãy nhà còn nồng mùi thuốc bom, ngổn ngang gạch vụn. Những căn nhà lợp giấy dầu được dựng lên cho các gia đình bị mất nhà bởi bom Mỹ. Sự sống hồi sinh bắt đầu từ tiếng trẻ trong vắt ngây thơ và ánh đèn sáng lên trong bữa cơm chiều ấm cúng. 

Từ nơi sơ tán trở về, chúng tôi ào đến nhà nhau, đứa nào đứa nấy phổng phao hẳn lên sau những tháng ngày sống ở nơi sơ tán, háo hức trước niềm vui được đi học tiếp học kỳ II lớp 7. Khu tập thể Nhà máy Dệt 8/3 bị bom dội, sạt quá nửa nhà A5 xây 4 tầng, hố bom sâu như cái ao. Trường cấp 2 Ngô Quyền phải sửa chữa nên chúng tôi phải học nhờ Trường cấp 2 Trương Định. Vui sướng không kể xiết khi lại được nghe tiếng trống trường rền vang, gặp thầy gặp bạn.

Bữa cơm đầu tiên gia đình sum họp vui hơn Tết. Nhà tôi vẫn ở chung với nhà bác Sách trong căn phòng 16 mét vuông, với 2 giường đôi, 2 cái chạn gỗ nhỏ. Khu bếp, phòng tắm, nhà vệ sinh thì cả đơn nguyên (4 gia đình) cùng dùng chung theo kiểu nhà tập thể xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1970. Tiếng bổ củi, tiếng trẻ con khóc, tiếng máy bơm từ trạm nước của khu tập thể kêu xình xịch hòa thành âm thanh cuộc sống. Bốn căn hộ sinh hoạt chung như thế nên nhường nhịn đã thành nếp quen. Nước giếng khoan qua giàn lọc thô sơ còn mùi sắt và “lờ lờ nước hến”, thế mà từ trẻ con đến người già chả ai đau bụng. Tôi và bạn Ái đều 13 tuổi, lớn nhất trong đám trẻ của 4 nhà nên chiều chiều lại phụ giúp các cô trông bọn trẻ, đứa đang chập chững tập đi, đứa bắt đầu học mẫu giáo.

Cái Tết đầu tiên sau những ngày cha mẹ xa con, ông bà xa cháu thật đặc biệt. Dù chưa nguôi ngoai sau bao đau thương nhưng nhựa sống vẫn dâng trào. Không khí chộn rộn, mừng Tết hòa bình tràn về phố phường. Than quả bàng và củi chất đống ở quầy chất đốt, lá dong xanh mướt ở quầy rau xanh. Gói hàng Tết gồm hộp mứt 250gr, thuốc lá, chè Hồng Đào, bóng bì, pháo Bình Đà cùng túi đường kính phân phối theo ô tem phiếu. Tôi đứng trong dòng người xếp hàng đông nghịt trước cửa hàng bách hóa và quầy thực phẩm chợ Mơ, kiên nhẫn nhích từng tí dù chiều đã “nhọ mặt người”. Chỉ một tháng sau khi dứt tiếng bom, ngôi chợ nổi tiếng ở phía nam Hà Nội đã có đủ sản vật phục vụ nhân dân đón Tết. Gà Đông Tảo từ Hưng Yên sang, cá rô Đầm Sét béo múp vẩy lóng lánh dưới Thanh Trì mang lên, cải Mơ mướt xanh từ ruộng rau của Hợp tác xã Hoàng Mai bên kia đường Minh Khai chở đến... Đẹp nhất là gian văn hóa phẩm bán bức cuốn thư có hình Bác Hồ kính yêu và hoa giấy, hoa nhựa. Trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa”, nhà thơ Tố Hữu đã viết tràn đầy tự hào và xúc cảm yêu thương: “Ta còn nghèo phố chật nhà gianh/ Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết”, có lẽ chính là quang cảnh Hà Nội những ngày Tết hòa bình 1973 ấy.

Bánh chưng là món “quốc hồn” không thể thiếu trong ngày Tết. Tổ “phục vụ nước sôi” (của khối phố hoặc khu tập thể, chuyên bán 5 xu một phích nước sôi, tiện cho ai đi làm về chưa kịp đun nước) nhận luôn việc luộc bánh chưng cho bà con. Nhiều gia đình được “tiếp tế” bánh chưng từ quê mang ra. Ngày 29 tháng Chạp, dọn dẹp nhà cửa xong, tôi rủ bạn phóng ra phố Bạch Mai xem không khí Tết. Có đủ đào, cúc, lay ơn, thược dược, cá cảnh..., một chợ hoa Hàng Lược thu nhỏ ngay trước cửa chợ Mơ. Phố Bạch Mai bừng sáng trong rừng hoa tươi từ Nhật Tân, Ngọc Hà xuống. Các bà các chị hối hả xếp rau tươi sau đuôi toa tàu điện để lên bán ở chợ Hôm, chợ Bắc Qua. Tất tả với Tết nhưng gương mặt ai cũng tươi vui. Loa phóng thanh vang vang bài hát quen thuộc: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời, hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời...”, “Việt Nam, trên đường chúng ta đi, nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó...”. Nghe tiếng hát mà lòng nhẹ thênh, tự hào về Hà Nội anh hùng và hào hoa như câu thơ đầy xúc cảm: “Ngọc Hà em lộng lẫy hoa tươi/ in thơm khắp miền Nam miền Bắc”.

Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội) Tết năm 1973. Ảnh: Tư liệu

No mắt cảnh Tết rộn ràng rồi tôi cũng lựa được mấy cành thược dược “tổ ong” đỏ sẫm, violet tím hồng mang về bày ở bàn nước. Mâm cơm tất niên trưa 30 Tết của nhà tôi và nhà bác Sách diễn ra chung trong căn phòng thật ấm áp. Hai ban thờ treo áp tường nghi ngút khói hương, mọi người khấn vái tổ tiên độ trì cho hai chiến sĩ ngoài mặt trận (là cha tôi và bác Sách) được bình an trở về. Biết bao niềm vui và nỗi buồn đan xen trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy.

Buổi chiều, mẹ lấy xe đạp đưa hai chị em tôi về quê ngoại ăn Tết với ông. Chuyến đò Khuyến Lương chiều cuối năm như hối hả, đông vui hơn. Rau cải bắp, su hào, ngô nếp của bà con trồng hai ven bờ sông... chất ngất mui thuyền. Đường xuân yên ả, không còn những quả bóng rất to của bộ đội ghim trên cánh đồng Văn Đức như hồi đánh B52 nữa. Về đến ngõ nhà, chú chó nhỏ chạy ra vẫy đuôi rối rít. Hoa cúc vạn thọ nở vàng rực. Đàn gà Đông Tảo chân lùn tịt tôi chăm những ngày sơ tán ở quê giờ đã mọc “đuôi tôm”. Hương bưởi dịu dàng bay vào hiên nhà. Hộp mứt Tết Hà Nội, phong pháo Bình Đà, gói đường kính mẹ con tôi biếu ông, ngày ấy là thức quà quý của con cháu đi xa về. Ngày Tết được sum họp dưới mái nhà của ông ngoại, nghe ông khấn giao thừa thật là hạnh phúc vô biên. 

Mồng hai Tết, mẹ con tôi lại  ngược ra Hà Nội, lỉnh kỉnh quà quê với hai đôi bánh chưng ông ngoại gói, luộc bằng gộc tre thật dền và món đặc sản chè kho cùng khúc giò thủ bác Cả làm rất ngon. Ông tần ngần đứng đầu ngõ trông theo. Tôi nhớ mãi vòng tay ôm ấp, che chở của ông những tháng ngày sơ tán và ngôi nhà luôn đầy ắp hương cau, nhãn lồng, cam giấy, bưởi đào, chuối ngự... Và nhớ những ngày Hà Nội bị dội bom, ông đứng nhìn quầng sáng rực phía thành phố rồi bảo: “Mong sao mẹ cháu qua được đận này”... 

Nửa thế kỷ trôi qua, chiến tranh chỉ còn trong ký ức nhưng với những thế hệ người Hà Nội đã sống trong những tháng ngày khốc liệt nhất của năm 1972, hòa bình mãi mãi là bài ca tuyệt vời nhất.

Phạm Kim Thanh