Lỗi tại "quy trình"?

Đời sống - Ngày đăng : 07:28, 21/07/2016

(HNM) - Gần đây, dư luận và nhân dân đặt nghi vấn đối với một số trường hợp sắp xếp, luân chuyển cán bộ ở một số cơ quan, địa phương. Trước sức ép dư luận, các cơ quan liên quan vào cuộc, nhanh chóng đưa ra kết luận: Đúng quy trình.

“Đúng quy trình” không biết từ bao giờ đã trở thành cụm từ được sử dụng nhằm che đi những hạn chế, yếu kém. Có ý kiến nhận xét, “đúng quy trình” đã trở thành “mẫu số chung” mỗi khi các cơ quan, đơn vị, địa phương muốn thanh minh cho một việc có nghi vấn. Nó được sử dụng thường xuyên đến mức trở nên sáo rỗng.

Ví dụ cụ thể, khi dư luận đặt vấn đề về việc cất nhắc, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016..., đã có ý kiến vội vàng cho rằng “đúng quy trình”. Trước tình hình đó, dư luận hết sức hoan nghênh quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc chỉ đạo làm rõ vụ việc. Ngay sau đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã vào cuộc và sớm có kết luận kiểm tra vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Lúc đó mọi việc mới rõ, ông Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách luân chuyển; không nằm trong quy hoạch vẫn được bố trí luân chuyển.

Thương cho cái “quy trình” vì bản thân nó không có lỗi. Lỗi là ở người thực hiện. Sau vụ việc này, có ý kiến cho rằng cần rà soát lại toàn bộ quy trình bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, biệt phái cán bộ về cơ sở. Một quy trình hay, mang ý nghĩa tốt, nhưng trong quá trình thực hiện lại có một số trường hợp sai. Đấy là điều phải suy nghĩ. Về việc này, ngày 18-7, Tổng Bí thư đã chỉ đạo các công việc cần làm tiếp sau khi có Thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Trong đó có việc giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá các quy định, quy trình về công tác cán bộ để sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ.

Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, cho đây là việc làm rất cần thiết. Có ý kiến đề xuất phải tính toán kỹ lưỡng việc tổ chức luân chuyển cán bộ như thông qua hội đồng chứ không phải một vài cá nhân hay một vài tổ chức nào đó quyết định. Hướng tới, quy trình nên công khai rộng rãi danh sách, thời gian cán bộ đi luân chuyển. Việc bố trí cán bộ cũng nên công khai để nhân dân giám sát, kiểm tra. Quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch mới không còn kẽ hở, mới tránh xảy ra những trường hợp như ví dụ nêu trên.

Hiền Lương