Nhân sự Quốc hội khoá XIV không có biến động lớn

Chính trị - Ngày đăng : 16:17, 21/07/2016

(HNMO)- Đó là chia sẻ của Tổng thư ký Quốc hội khoá XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc với báo giới sáng 21/7 về công tác nhân sự tại QH khoá XIV.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, Quốc hội bỏ phiếu thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT


Ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, vấn đề nhân sự tại Quốc hội khóa XIV sẽ không có biến động lớn do cách đây 3 tháng, các chức danh chủ chốt của Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đã được kiện toàn. Bộ máy này về cơ bản sẽ giữ nguyên, không có thay đổi nhiều.

Kỳ vọng vào bộ máy lãnh đạo đã được bầu tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ: "Chính phủ mới vừa qua đã vào cuộc rất tích cực, được nhân dân đồng thuận, đặc biệt với những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong thời gian ngắn.

Cách triển khai năng động, hết sức cụ thể sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu, nhất là khi Việt Nam đang chuẩn bị hội nhập sâu. Do đó, cũng cần đề xuất với Quốc hội phải có những định hướng lâu dài, nếu cần thay đổi cho phù hợp với điều kiện hội nhập."

Trước một số thay đổi nhân sự ở các Ủy ban của Quốc hội tại kỳ họp lần này, ông Nguyễn Hạnh Phúc lý giải do yêu cầu phân công của công việc và việc điều chuyển vị trí nhằm thực hiện công tác đào tạo cán bộ trước mắt và lâu dài. Việc cán bộ đi qua nhiều vị trí khác nhau chính là môi trường để rèn luyện, phát triển cao hơn về năng lực.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội  khoá XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dự kiến giữ chức vụ Tổng thư ký Quốc hội  khoá XIV.


Như đã đưa tin, liên quan đến công tác nhân sự của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII, chiều 20/7, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày Tờ trình về cơ cấu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV vẫn giữ nguyên như khoá trước, gồm 18 thành viên. Cụ thể, gồm Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội và 13 Uỷ viên.

Qua thảo luận tại đoàn chiều cùng này về số lượng này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên tăng số Uỷ viên lên 19 thay vì 18 để tránh trường hợp khi biểu quyết vấn đề quan trọng không rơi vào tình huống 50-50. Cũng có ý kiến đề nghị tăng 1 Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường.

Trước những ý kiến này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, qua thực tiễn hoạt động các khoá XI, XII, và XIII, với số thành viên Uỷ ban là 18 người, trong đó có 4 Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã hoạt động toàn diện, đồng bộ, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả. 4 Phó chủ tịch đã phụ trách các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương không tăng cấp phó trong bộ máy nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chấp thuận số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV là 18 người như đã trình.

Nghị quyết về cơ cấu, số lượng thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV đã được các đại biểu tán thành thông qua với tỷ lệ cao

Dự kiến, sau khi Quốc hội hoàn tất quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, trong tuần tới, Quốc hội sẽ lần lượt bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội cũng sẽ quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Bảo Hân