Đại học không là lựa chọn duy nhất

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:40, 22/07/2016

(HNM) - 32% thí sinh thi tại các cụm thi địa phương chỉ lấy điểm thi THPT quốc gia 2016 để xét tốt nghiệp chứ không xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Điều này cho thấy một thực tế là ngày càng có nhiều học sinh không chọn thi vào đại học và cái thời mà bằng mọi giá phải vào đại học đang lùi dần trong đời sống xã hội.


Thực tế những năm qua cho thấy, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đang đặt ra hàng loạt vấn đề. Hơn 200 nghìn cử nhân ra trường không có việc làm, trong khi danh sách các trường đại học, cao đẳng vẫn không ngừng tăng lên, cả nước hiện có 412 trường, với khoảng 2,2 triệu sinh viên. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng.

Tỷ lệ học sinh thi đại học giảm là tín hiệu cho thấy cách nhìn nhận của xã hội, mà trực tiếp là lớp trẻ về bằng cấp đã thay đổi. Có lẽ một phần là do thực trạng “phổ cập đại học” đã và đang để lại hệ lụy nhãn tiền là tình trạng thất nghiệp. Nhưng phần quan trọng không kém là việc định hướng, phân luồng học sinh đã mạch lạc và rõ nét hơn.

Đã có một thời gian khá dài, với cơ chế “tự chủ tài chính”, nhiều trường đại học chạy theo số lượng, quy mô đào tạo mà không quan tâm tới nhu cầu của xã hội. Cũng vì thế, hiện tượng nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm trở thành nỗi lo của các gia đình và cả xã hội. Ở phía nhà tuyển dụng, việc coi trọng bằng cấp cũng góp phần làm cho cuộc “chạy đua” vào trường đại học trở nên khốc liệt hơn. Và ở khía cạnh khác, truyền thống hiếu học của người Việt Nam bỗng dưng trở thành một cuộc ứng thí với mục tiêu phải có được tấm bằng đại học. Trong khi thực tiễn cuộc sống lại có một "chuẩn đo" khác hẳn - giá trị thực trong đầu mỗi con người, khả năng hoàn thành được công việc cần thiết - mới là điều quan trọng.

Qua kỳ thi THPT quốc gia 2016 cho thấy, học sinh đã bắt đầu có cái nhìn thực tế hơn trong lựa chọn con đường tương lai, các em dần định hình ý thức tìm một nghề nghiệp thiết thực hơn là tấm bằng “ảo”. Con số 70% học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm (năm 2015) cũng là điều rất đáng suy ngẫm.

Lẽ dĩ nhiên, để “cổ vũ” cho ý thức của các em thì vai trò của hệ thống giáo dục cần được xem trọng. Đối với trường đại học, cao đẳng việc xác định sứ mạng có vai trò mấu chốt. Thay đổi cách thức đào tạo vì nhu cầu của xã hội, vì chất lượng đầu ra phải được xác định là điều kiện tiên quyết. Nhà trường tự chủ trong quyết định sẽ tuyển chọn ai, đào tạo thứ gì để có thể đáp ứng nhu cầu xã hội. Ở một khía cạnh, điều này cũng tương tự như việc người bán hàng phải luôn cố gắng làm sao cho sản phẩm của mình đưa đến với người tiêu dùng luôn là tốt nhất, cạnh tranh nhất.

Thái độ xã hội, ý thức của nhà trường và trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục trong việc phân luồng sớm và tổng thể thay vì chắp vá sẽ là định hướng cho mô hình đào tạo. Nhà trường biết học sinh cần gì để trao cho cơ hội nghề nghiệp sau khi rời nhà trường.

Bộ Giáo dục - Đào tạo đã và đang thực hiện trao quyền tự chủ cho các trường, cho họ sự chủ động trong xây dựng quy mô đào tạo và sự tự chủ trong học thuật, truyền dạy kiến thức. Trao tự chủ cho các trường cũng đồng thời là trao cho học sinh quyền quyết định tương lai nghề nghiệp của mình. Nói cách khác, điều này tạo cho học sinh ý thức tự lập, tự lựa chọn đường đi, trong học tập phải cạnh tranh, nỗ lực hết mình để học thực thụ, tích lũy kiến thức, đồng thời có nhiều sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng.

Dù thế nào cũng cần xác định, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phải đề cập đến mục tiêu giáo dục, trong đó xác định giảng đường đại học không phải là lựa chọn duy nhất, và càng không thể định hình tư duy bằng cấp là “thứ duy nhất quyết định tương lai của học sinh”!

Tuấn Kiệt