Thế giới lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái ở Biển Đông

Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 22/07/2016

(HNM) - Sau phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đã có nhiều bài viết về tình hình Biển Đông và những ảnh hưởng đối với hệ sinh thái biển do những hoạt động bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông gây ra.

Trang tin Huffington Post (Australia) đưa tin, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm ngắn đến Australia đã có bài phát biểu khẳng định Mỹ mong muốn các vùng biển được an toàn, bầu trời luôn rộng mở. Đó là cách duy trì dòng chảy thương mại tự do, là mạch máu của cả khu vực. Bài báo cho biết dù Phó Tổng thống Mỹ không nêu cụ thể những tranh chấp ở Biển Đông song đã bày tỏ hy vọng gia tăng hợp tác với các nước Châu Á.

Tờ The Christian Science (trụ sở tại Mỹ) đăng bài viết cho biết, nhà khoa học hàng hải Mỹ John W.McManus đã theo dõi các hoạt động của Trung Quốc đánh bắt và xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông. Nhà khoa học này đã mạo hiểm đến tận nơi để khảo sát, chứng kiến cách tàu Trung Quốc sử dụng cánh quạt trong quá trình thu hoạch ngọc trai gây tổn hại cho các rạn san hô và ước tính rằng Trung Quốc đã phá hủy 70km2 rạn san hô. Nhà khoa học John W.McManus cho rằng, đây là lượng san hô bị phá hủy nhiều nhất trong bốn thập niên nghiên cứu rạn san hô của mình và nhận định: “Thiệt hại tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán”. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, Trung Quốc đã vi phạm các nghĩa vụ pháp lý khi là một bên ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Trong khi đó, trang tin The Nature đưa ra quan điểm lo ngại việc Trung Quốc tiếp tục phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài sẽ khiến căng thẳng leo thang, dẫn đến việc cạnh tranh đánh bắt cá ở khu vực có thể gây nguy hại đến hệ sinh thái ở Biển Đông. Bài báo cho biết các nhà sinh thái đang theo dõi sự gia tăng hoạt động đánh bắt cá, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough. Và theo nhiều nhà khoa học, mật độ cá và tỷ lệ đánh bắt trong vùng Biển Đông đã giảm mạnh trong thập kỷ qua.

Quang Huy