Tháo gỡ vướng mắc để đạt kết quả cao nhất
Kinh tế - Ngày đăng : 05:50, 22/07/2016
Còn nhiều vướng mắc
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết: Chính sách của thành phố hỗ trợ phát triển nông nghiệp đầy đủ nhưng chưa kịp thời. Ví dụ, năm 2015, thành phố hỗ trợ huyện Gia Lâm gần 2 tỷ đồng cho giống cây chuối, nhưng đúng vào thời điểm chuối rớt giá nên nông dân không mặn mà đầu tư, nên huyện chỉ giải ngân được 600 triệu đồng. Trong khi đó, những năm trước đây, nhu cầu về giống cây chuối khá lớn, nhất là giống nuôi cấy mô thì lại chưa có hỗ trợ. Ông Nguyễn Ngọc Thuần đề nghị, chính sách hỗ trợ nên xuất phát từ đề xuất của cơ sở để sát thực tế, hiệu quả hơn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà, do điều kiện nguồn thu của huyện khó khăn nên đầu tư cho hạ tầng những năm qua còn hạn chế. Hiện các tiêu chí chưa đạt, chủ yếu cần nhiều nguồn lực... Trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, địa phương đề nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ 30.000 đồng/bộ hồ sơ cho tiểu ban ở cơ sở.
Sản xuất hoa lan trong nhà lưới công nghệ cao tại HTX Hoa và cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Tào Ngọc |
Tại Chương Mỹ, năm 2016, huyện phấn đấu có 7 xã về đích NTM, trong đó, kế hoạch thành phố giao 2 xã. Tuy nhiên, huyện mới nhận được 10 tỷ đồng thành phố hỗ trợ cho 2 xã, đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ 5 xã còn lại. Theo Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Lê Trọng Khuê, khó khăn lớn nhất với địa phương là tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo. Theo chuẩn nghèo cũ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Chương Mỹ chỉ còn 2,4% nhưng với chuẩn mới, tỷ lệ này tăng lên 10,2% (dưới 3% mới đạt chuẩn NTM) sẽ là khó khăn lớn đối với địa phương trong xây dựng NTM, vì vậy rất cần có chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn, tại Chương Mỹ, chăn nuôi chiếm 68% cơ cấu nông nghiệp; riêng xã Hữu Văn có hàng chục hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm, một số doanh nghiệp muốn đầu tư nhà máy giết mổ, nhưng không có mặt bằng...
Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, thành phố chỉ đạo các quận giúp các huyện chung tay xây dựng NTM và hợp tác trong tiêu thụ nông sản. “Nông dân Quốc Oai khẳng định sẽ sản xuất thực phẩm sạch, ngon cung cấp cho bếp ăn tập thể trên địa bàn của các quận, nhất là cho hệ thống trường học, nên rất cần được hỗ trợ tạo điều kiện của các quận".
Tập trung thực hiện nhiều giải pháp
Trước kiến nghị trên của các địa phương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kêu gọi các quận tiếp tục phối hợp và hỗ trợ các huyện. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, quận Hà Đông đã giúp đỡ huyện Chương Mỹ xây nhà văn hóa với số tiền khoảng 5 tỷ đồng; quận Long Biên cam kết giúp huyện Ba Vì xây dựng 13 nhà văn hóa. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các quận Hoàn Kiếm và Cầu Giấy tiếp tục bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa tại huyện Thạch Thất và Ba Vì theo kế hoạch.
Đối với kiến nghị của nhiều địa phương, đề nghị thành phố tiếp tục bố trí kinh phí cho các xã đăng ký thêm đạt chuẩn NTM năm 2016, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ cho hay: Sẽ đề xuất thành phố bố trí đủ kinh phí cho các xã. Với kiến nghị của huyện Chương Mỹ đề nghị thành phố hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, ông Nguyễn Văn Tứ cho biết sẽ trực tiếp báo cáo thành phố tháo gỡ. “Trong khi một số địa phương phải bỏ vốn để hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, thì tại huyện Chương Mỹ, doanh nghiệp bỏ vốn xin làm, không có lý do gì thành phố lại không ủng hộ” - ông Nguyễn Văn Tứ nói, và lưu ý các địa phương sớm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn để thành phố phê duyệt; đồng thời, lồng ghép hợp lý các nguồn vốn đặc biệt là ở các xã vừa thực hiện xây dựng NTM vừa thực hiện Kế hoạch 166/KH-UBND về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô" để tối ưu hóa đầu tư.
Liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, một số khu vực người dân chuyển đổi sang mô hình kinh tế trang trại, nhưng thực chất vẫn là đất nông nghiệp, nên việc xây nhà để chứa vật tư phục vụ sản xuất và bảo vệ tài sản, các hộ phải lập đề án và quận, huyện phải phê duyệt theo đúng quy định, không được chuyển đổi sai mục đích.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng giao Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh Đề án "Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm", Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương căn cứ vào tiêu chí mới để hỗ trợ giảm nghèo, phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bố trí đủ vốn cho các địa phương thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy... Và như vậy, với sự cố gắng, nỗ lực thực hiện tại các địa phương, chắc chắn Chương trình 02 sẽ đạt hiệu quả tích cực.