Nguy cơ ”nhân đôi”

Kinh tế - Ngày đăng : 06:16, 22/07/2016

(HNM) - Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam với tư cách là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do (FTA), mà tiêu biểu là TPP trong tương lai và FTA với EU (EVFTA), sẽ phải tuân thủ các cam kết mở cửa thị trường đối với hàng hóa các nước khác. Tuy nhiên, điểm yếu của doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước là sức cạnh tranh thấp hơn hẳn so với DN các quốc gia cùng tham gia FTA.


Trước hết, xét về năng lực sản xuất, phần lớn DN của ta sử dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất ở mức trung bình, trong khi mức tiêu hao vật tư, nhất là “ăn” năng lượng gấp 1,3 - 2,5 lần so với DN "ngoại", nên chi phí sản xuất cao. Mặt khác, nhìn chung chất lượng cũng như mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm trong nước cũng còn một khoảng cách so với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Như vậy, về tổng thể, hàng Việt thua kém hàng ngoại cả về chất lượng, hình thức và cao hơn về giá bán. Đáng lo ngại nhất là, 65% số dòng thuế sẽ được bãi bỏ ngay khi TPP và EVFTA có hiệu lực; đồng nghĩa với việc hàng "ngoại" sẽ tràn vào nội địa một cách “vô tư”. Đó là đầu vào rất bất lợi trong “cuộc chiến” giành thị phần. Một bất lợi khác là, ngày càng xuất hiện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại có chủ đầu tư là cá nhân, DN nước ngoài. Vì vậy, đương nhiên họ có quyền lựa chọn, quyết định việc nhập hàng của đối tác nào (gồm số lượng và các điều kiện kèm theo) để sau đó phân phối ra thị trường. Trong khi đó, dư luận càng lo ngại trước việc một số siêu thị thuộc chủ sở hữu là người Thái Lan có chủ trương ưu tiên nhập hàng do DN Thái sản xuất - tức là gây ra nguy cơ mất thị phần đối với hàng Việt. Đây là một thực tế hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần.

Vấn đề đặt ra là, cơ quan quản lý đã tiên liệu, báo trước cho DN trong nước biết tình hình, khả năng diễn biến để cảnh báo và lưu ý DN "nội" về việc ứng phó với sự lấn lướt của DN phân phối "ngoại" trên thị trường. Nhưng, đáng tiếc chưa thấy có chính sách, biện pháp hỗ trợ nào khả dĩ để "nâng đỡ" DN "nội" đạt hiệu quả.

Kính Lúp