Quy trình xây dựng luật: Cần nâng cao tính chuyên nghiệp

Chính trị - Ngày đăng : 06:12, 22/07/2016

(HNM) - Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, cùng với việc thông qua Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật, bộ luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, có luật vừa mới ban hành đã phải sửa, thậm chí luật chưa có hiệu lực đã sửa cho phù hợp với thực tiễn. Điều đó đòi hỏi Quốc hội khóa mới cần tiếp tục đổi mới hoạt động lập pháp theo chiều sâu, nâng cao tính chuyên nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, do yêu cầu của thực tiễn, rất nhiều luật đã được xây dựng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, 107 luật, bộ luật, 1 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua 9 pháp lệnh và 3 nghị quyết. GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, nhìn chung chúng ta đã cơ bản đủ luật, nhưng mới thiên về số lượng, nay phải bước sang giai đoạn nâng cao chất lượng. Quan điểm trên cũng là nội dung được thống nhất trong phiên họp thứ 50 của UBTVQH vừa diễn ra khi bàn về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, 2017.

Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông phân tích, đầu tư công đang gặp nhiều khó khăn. Muốn tăng trưởng phải dựa vào khu vực tư nhân, bao gồm đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh cần được cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV và sớm thông qua giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thu hút đầu tư công. Song, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lại nêu quan điểm ngược lại, với lý do được đưa ra là chưa nhận được dự thảo nên chưa biết ý đồ của dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh. “Dự án luật chưa có hồ sơ theo quy định; chưa thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung cơ bản theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chưa thể trình Quốc hội xem xét, thông qua” - ông Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm.

Con số 51 dự án được kiến nghị đưa vào chương trình năm 2017 theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông là nhiều so với khả năng thực hiện. Để xây dựng luật theo chiều sâu, ông Lê Minh Thông cho rằng, UBTVQH sẽ cân nhắc, chọn lọc thận trọng và tập trung nhân lực, vật lực để thực hiện.

Bên cạnh quyết tâm của UBTVQH trong xây dựng luật, Khoản 5, Điều 7 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, Quốc hội chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành. Tuy nhiên, liệu có cá thể hóa trách nhiệm của những người trực tiếp soạn thảo, thẩm tra trong quá trình xây dựng luật, để nâng cao hơn nữa chất lượng luật là vấn đề dư luận đang đặt ra? Với tư cách là một đại biểu đã bấm nút tán thành thông qua Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2016) nhưng nay lại phải hoãn áp dụng để sửa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Luật chia sẻ, ông thừa nhận trách nhiệm của cá nhân mình trước cử tri, Quốc hội và nhân dân.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Luật, báo cáo mới đây của UBTVQH đã xác định trách nhiệm thuộc về Quốc hội và Thường vụ Quốc hội. Tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp dự thảo, xây dựng bộ luật này.

Từ sự việc hy hữu này, Quốc hội các khóa tiếp theo cần chú ý đến vai trò giám sát của dư luận để nâng cao hoạt động lập pháp của Quốc hội. Một Quốc hội thực hiện được quyền lập pháp, quyền giám sát tối cao, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, mà tỷ lệ 30% đại biểu chuyên trách khó có thể đảm đương, cho nên chất lượng các dự án luật phụ thuộc rất nhiều vào các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, quy trình nghiên cứu tổng kết, đánh giá các yếu tố tác động, kết quả khảo sát pháp luật và thực tiễn của các nền tư pháp phát triển trên thế giới. Quy trình này cũng phụ thuộc vào sự phối hợp, tổng hợp, biên tập, rà soát của các cơ quan chuyên môn giúp việc cho Chính phủ, kế đến là các ủy ban chuyên trách của Quốc hội trước khi trình UBTVQH xem xét, có tờ trình ra Quốc hội thảo luận và biểu quyết. Đáng tiếc, sự phối hợp giữa các cơ quan này lại chưa nhịp nhàng. Chưa kể, quá trình dự thảo, lấy ý kiến các chuyên gia và người dân, xem xét thẩm định theo những cách thức còn nhiều hạn chế.

Trong tiến trình 70 năm hoạt động của Quốc hội, từng có thời kỳ Quốc hội lập ra ban công tác lập pháp do một phó chủ tịch phụ trách. Thành viên của ban không phải đại biểu mà là các chuyên gia, chuyên viên giỏi về kỹ thuật lập pháp. Các luật được thẩm tra ở các ủy ban của Quốc hội xong đều đưa về Ban Công tác lập pháp để rà soát về kỹ thuật. Có lẽ nên xem xét lại mô hình này, vì ở nước ta sự quan tâm đến vai trò của bộ máy hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội chưa tương xứng, chưa kể việc xây dựng luật còn thiếu tính chuyên nghiệp.

Hà Phong