Du lịch cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cần một “cú bật”
Du lịch - Ngày đăng : 11:18, 23/07/2016
Du khách thăm vườn ca cao của gia đình ông Mười Cương. |
Từ chỗ làm thêm “cho vui”, giờ đây du lịch homestay đã trở thành niềm đam mê của những người nông dân miệt vườn, nhất là sau khi họ có thêm những kiến thức nền vững chắc từ những khóa tập huấn về du lịch cộng đồng do Ban Quản lý Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU-ESRT do Liên minh Châu Âu tài trợ, gọi tắt là Dự án EU) hỗ trợ trong giai đoạn 2013-2016.
Bình yên homestay
Ông Trần Văn Liền tự tay hái quả cho du khách. |
Dù chưa gặp chúng tôi lần nào, nhưng ông Trần Văn Liền, chủ vườn trái cây Vàm Xáng (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) đã đón chúng tôi từ xa bằng nụ cười nồng hậu, ấm áp. Đi qua cánh cổng mát rượi được tạo nên từ rặng trúc đằng ngà xanh mướt đổ xuống lối đi, khung cảnh yên bình hiện ra trước mắt chúng tôi với cây cầu khỉ soi bóng xuống con rạch vắt qua một vùng cây trái mướt xanh. Dẫn đoàn khách từ Hà Nội thăm vườn cây trái, ông Liền vừa thao thao kể chuyện vừa tự tay hái những trái mận đèn cầy, ổi tím Mã Lai, ổi Nữ hoàng Thái, cam mật Phong Điền, dâu xanh Gia Bảo… mời chúng tôi thử. Những mệt mỏi sau chuyến bay sớm dường như tan biến, thay vào đó là sự háo hức và tiếng cười nói dưới những tán cây trái sum xuê. Ai cũng cảm thấy thoải mái, bình yên, thân thuộc như được trở về nhà mình.
Du khách thưởng thức hoa quả ngay tại vườn trái cây Vàm Xáng. |
Cách đó không xa, gia đình ông Mười Cương được nhiều người biết tới với khu vườn rộng 1,2 ha trồng hơn 2.000 cây ca cao. Trồng và chế biến ca cao là nghề truyền thống của gia đình ông từ vài chục năm nay. Nhưng ông được nhiều người, đặc biệt là khách nước ngoài biết tới nhờ mô hình du lịch homestay. Du khách tới đây được tham gia thu hái, làm ca cao thủ công hoặc chế biến bột, rượu, bơ ca cao hoặc tham quan khu vực xung quanh và ăn uống, nấu nướng, nghỉ ngơi cùng gia đình. Nhiều du khách đến từ Bỉ, Pháp… cũng đến học hỏi kinh nghiệm làm ca cao của ông Mười Cương bởi những sản phẩm do gia đình ông tự tay chế biến bao giờ cũng đạt chất lượng cao và có hương vị riêng.
Khung cảnh mướt xanh của nhà vườn Vàm Xáng. |
Cùng với việc trồng, chế biến ca cao kết hợp với làm du lịch cộng đồng, gia đình ông Mười Cương thu nhập khoảng 15.000 USD/năm. Với lợi thế nói được 2 ngoại ngữ, lại có 4 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi, mỗi năm gia đình ông đón khoảng 600 khách quốc tế, nhiều nhất trong 4 hộ làm du lịch cộng đồng ở xã Mỹ Khánh. Theo ông Mười Cương, gia đình ông có được lượng khách ổn định như vậy là nhờ tham gia các lớp tập huấn về kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân và nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng do Dự án EU tổ chức từ năm 2013-2016. Từ sau các khóa tập huấn này, ông và gia đình đã chuyên nghiệp hóa các kỹ năng đón, phục vụ khách và quảng bá mô hình homestay của gia đình trên internet, mạng xã hội để ngày càng có nhiều du khách biết tới.
Rời nhà ông Mười Cương, chúng tôi tiếp tục đến xã Mỹ Hòa Hưng - vùng đất bình yên, trù phú nằm trọn trên cù lao Ông Hổ giữa dòng sông Hậu hiền hòa quanh năm bồi đắp phù sa. Tiếp chúng tôi trong nhà văn hóa xã, nơi được Dự án EU hỗ trợ các trang thiết bị như: bàn, ghế, máy tính, máy chiếu, màn hình, máy in… để phục vụ các lớp tập huấn cho nông dân về du lịch cộng đồng, ông Nguyễn Sỹ Trung – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Mỹ Hòa Hưng có diện tích hơn 20km2 với 22 nghìn dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu và du lịch. Xã hiện có 9 hộ làm du lịch homestay, mỗi năm đón khoảng 2.000 khách quốc tế chủ yếu đến từ các nước Châu Âu. Du khách đến đây thường rất thích thú khi được đạp xe tham quan cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, làng nghề mây tre, làng làm nhang, lò rèn… Du lịch tuy là nghề phụ nhưng nhờ đó mà từ năm 2014 đến nay, doanh thu của các hộ năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 5-7%. 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ du lịch homestay của mỗi hộ ước đạt 3 triệu đồng/tháng.
Với quan điểm phát triển chú trọng về chất lượng để mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND xã Mỹ Hòa Hưng đã phối hợp với Dự án EU tổ chức 2 khóa đào tạo nâng cao nhận thức cũng như các kỹ năng về phát triển du lịch cộng đồng cho bà con. Kết quả là, các hộ gia đình ông Tôn Thất Đính, Trần Phước Nguyên, Trần Trung Nghĩa, Trần Thị Trúc Mai… ở ấp Mỹ An 2 nay đã trở thành những địa chỉ homestay quen thuộc được nhiều khách quốc tế biết và mách cho bạn bè, người thân.
Gia đình ông Tôn Thất Đính là hộ đầu tiên làm du lịch homestay và đón nhiều du khách nhất. Theo ông Đính, làm du lịch không khó vì dựa trên cơ sở sẵn có của các hộ dân cùng sự hỗ trợ của chính quyền xã nên mỗi năm gia đình ông đón khoảng 700-800 khách. Mặc dù, thu nhập từ du lịch chưa cao bằng việc trồng cây trái nhưng ông vẫn muốn phát triển thêm bởi làm du lịch được giao lưu với du khách và ông cũng tin rằng, du lịch cộng đồng sẽ còn phát triển hơn nữa ở xã Mỹ Hòa Hưng.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Bình yên nhà sàn chân cọc ở cù lao Ông Hổ (Long Xuyên, An Giang) |
Được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, những năm gần đây, ba tỉnh An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang có sự tăng trưởng tốt về lượng khách du lịch quốc tế. Từ năm 2008-2014, lượng khách quốc tế đến với cả 3 tỉnh tăng từ 50 nghìn lượt (năm 2008) lên 250 nghìn lượt (2014), trong đó tăng trưởng mạnh nhất là Cần Thơ. Cùng với đó, Đồng bằng sông Cửu Long cũng có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch đạt chất lượng; mạng lưới giao thông đường thủy cùng cảnh quan nước nổi độc đáo, ẩm thực phong phú, văn hóa đa dạng, người dân mến khách, lại gần với các tuyến trung chuyển du lịch lớn là Campuchia và Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh… Năm 2015, tạp chí Rough Guides còn xếp Đồng bằng Sông Cửu Long ở vị trí thứ 6 trong số các điểm đến có giá trị tốt nhất.
Tuy nhiên, có thể thấy các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có. Mặc dù tính đặc trưng của vùng sông nước được thể hiện khá rõ nét nhưng sự nghèo nàn, trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương khiến du khách không mấy mặn mà. Việc thiếu cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao cũng đã hạn chế khả năng “níu chân” du khách lưu lại dài ngày. Ngoài ra, sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác marketing, quảng bá, xúc tiến đã hạn chế việc đưa hình ảnh của vùng đến không chỉ khách quốc tế mà cả khách nội địa, đặc biệt là du khách phía Bắc vốn ưa thích loại hình du lịch nghỉ dưỡng và tìm hiểu văn hóa, lịch sử.
Trồng giá sạch phục vụ du khách tại homestay của một gia đình ở xã Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên, An Giang). |
Để phát triển một cách hiệu quả và bền vững, không thể không thay đổi nhận thức của người dân. Đó chính là công việc mà Dự án EU triển khai tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang từ năm 2013 – 2016. Ông Hoàng Nhân Chính, chuyên gia kỹ thuật của Dự án EU cho biết: Dự án đã giúp đỡ các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, hỗ trợ marketing quảng bá cho các điểm đến và phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ các hoạt động đào tạo, mở lớp tập huấn, mời giảng viên, chuyên gia trong nước và quốc tế đến tư vấn, xây dựng và tìm ra các sản phẩm du lịch phù hợp nhất với các hộ dân. Các lớp đào tạo, nâng cao nhận thức về du lịch này là sự hỗ trợ rất cần thiết với người dân cũng như chính quyền địa phương để nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng địa phương; hỗ trợ các kĩ năng nghề về du lịch homestay, cách tổ chức khu vực lưu trú để người dân biết cách đón tiếp khách...
Hy vọng, sự đồng hành của Dự án EU cùng những nỗ lực của người dân sẽ mang lại nhiều mùa “quả ngọt” hơn cho du lịch cộng đồng nói riêng và du lịch vùng nói chung. Muốn làm được điều đó, Đồng bằng sông Cửu Long phải dồn lực và quyết tâm tạo “cú bật”, để những cái tên: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang ngày càng định vị một cách chắc chắn vị trí của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.