Luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và duy trì

Thế giới - Ngày đăng : 08:08, 24/07/2016

(HNM) - Sau phán quyết chính thức của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) liên quan đến việc Philipines kiện Trung Quốc được công bố, dư luận quốc tế đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ; đồng thời tiếp tục kêu gọi các bên liên quan tôn trọng và duy trì các quy định của luật

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stephane Dion, Tòa trọng tài được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã ra phán quyết về vấn đề Biển Đông có giá trị ràng buộc các bên liên quan. Do vậy: "Tất cả các bên nên nắm lấy cơ hội này như một bước đi quyết định cho những nỗ lực nhằm quản lý và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, theo luật quốc tế".

Đối với vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế, cựu Phó Đô đốc Hải quân Shekhar Sinha (chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề quốc tế của Ấn Độ) cho rằng: Phán quyết của Tòa trọng tài liên quan tới vấn đề Biển Đông là một phán quyết đúng đắn và hoàn toàn theo UNCLOS. Ấn Độ tin tưởng vào trật tự thế giới dựa trên luật pháp và hy vọng tất cả các nước tuân thủ điều này, không chỉ ở Biển Đông mà trên phạm vi toàn cầu.

Trong khi đó, Tổng Bí thư đảng Lao động Mexico (PT), Alberto Anaya Gutierrez khẳng định, quyết định của Tòa trọng tài là thắng lợi của lý lẽ và là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, mang lại chân lý cho các nước đang đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hợp pháp của mình như Philippines, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trong khi đó, ông Felix Castellanos, Chủ tịch Viện Hữu nghị và Hợp tác Mexico - Việt Nam (IACMV) cho rằng đây là một quyết định công bằng và mang tính tích cực, các bên liên quan cần tôn trọng phán quyết của Tòa, đặc biệt là phía Trung Quốc.

Còn tờ báo Akahata của Nhật Bản một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Trung Quốc cũng như các bên liên quan trong vai trò thành viên tham gia vào UNCLOS đồng nghĩa với việc họ có nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ các phán quyết của Tòa trọng tài. Akahata cũng khẳng định rằng việc xây dựng đảo nhân tạo và triển khai vũ khí tại khu vực tranh chấp là động thái đi ngược lại hoàn toàn với Tuyên bố chung về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN trước đó.

Hoàng Linh