Cơ sở pháp lý để bác bỏ các yêu sách trái với luật pháp quốc tế

Chính trị - Ngày đăng : 07:21, 24/07/2016

(HNM) - Tại hội thảo quốc tế

Hội thảo thu hút nhiều diễn giả, học giả, nhà nghiên cứu, luật gia trong và ngoài nước.



Là diễn giả đầu tiên phát biểu tại hội thảo, GS.TS Donald Rothwell, Phó trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Australia cho biết: Vụ Philippines kiện Trung Quốc được xét xử bằng một Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Tòa trọng tài này do các bên lựa chọn và thẩm quyền của nó tương tự như Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hay Tòa án quốc tế (ICJ). Khi được thành lập, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII có thể quyết định trình tự thủ tục, các bên phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tòa. Phán quyết của tòa là chung thẩm, có đầy đủ hiệu lực và giá trị pháp lý. Đây là phán quyết cuối cùng và không có kháng nghị, do đó các bên phải tuân thủ phán quyết này trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Theo các diễn giả quốc tế, là một quốc gia thông qua UNCLOS 1982, Trung Quốc phải gương mẫu tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII. Và cũng theo GS.TS Donald Rothwell: "Phán quyết này một lần nữa tái khẳng định thẩm quyền phán xét các tranh chấp đất liền và tranh chấp biển. Qua đó, cộng đồng quốc tế đã thể hiện niềm tin lớn hơn về phương thức giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia từ Tòa trọng tài".

Ở điểm nhìn khác, GS.TS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng: Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong giải thích và vận dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982: "Phán quyết có khả năng ứng dụng toàn cầu và khu vực rộng lớn bởi vì UNCLOS được xem như Hiến chương của Đại dương thế giới".

Mặt khác, theo GS.TS Carl Thayer, còn quá sớm để đưa ra đánh giá xác đáng liệu Tòa trọng tài xét xử vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc có phải là hình mẫu tốt cho các quốc gia khác noi theo hay không? Tuy vậy, cần thấy rằng, Trung Quốc không thể yêu sách các vùng biển vượt ra ngoài phạm vi cho phép của UNCLOS. Nói cách khác, Tòa trọng tài đã bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông, các nguyên đơn sẽ được lợi từ việc xác định rõ cái gì cấu thành đảo, đảo đá, bãi đá lúc nổi lúc chìm theo UNCLOS. Điều này giúp cung cấp cơ sở cho việc phân định ranh giới các vùng biển chồng lấn. Đối với Việt Nam, với tư cách là nước thành viên UNCLOS có nghĩa vụ bảo vệ và thực thi kiểm soát các hoạt động bảo tồn, khai thác tại Biển Đông theo quy định của UNCLOS.

Vấn đề tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông cần được các quốc gia tuân thủ.



Theo TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quốc tế (CSSD), phán quyết của Tòa trọng tài đã ủng hộ phương thức giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Còn theo GS.TS Gregory Rose, Đại học Wollongong (Australia), đồng thời là luật sư quốc tế chuyên về luật biển và môi trường, sau phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12-7, vị thế đàm phán của Việt Nam đã được củng cố.

Kết luận hội thảo, GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết, các diễn giả tham dự hội thảo đã thống nhất rằng, phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines - Trung Quốc là một phán quyết có tính lịch sử, có giá trị pháp lý quan trọng và đóng góp to lớn cho sự phát triển của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, vụ kiện của Philippines tại Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS là bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khu vực và thế giới trong việc lựa chọn thủ tục tài phán để giải quyết tranh chấp.

Về tác động của phán quyết, các ý kiến đều cho rằng, phán quyết là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia trong khu vực điều chỉnh quan điểm, yêu sách và cách thức tiếp cận rõ ràng hơn về mặt pháp lý để giải quyết hòa bình các tranh chấp biển trong tương lai. Đặc biệt, phán quyết này là cơ hội để Việt Nam cùng với các quốc gia trong khu vực Biển Đông có thêm cơ sở pháp lý và động lực để bác bỏ các yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền trái pháp luật quốc tế trên Biển Đông. Đồng thời, mở ra cơ hội hợp tác mới cho các quốc gia trong khu vực vì mục tiêu chung gìn giữ và khai thác Biển Đông một cách hòa bình, ổn định và phát triển.

NGUYỄN LÊ