Động lực để phát triển công nghệ cho đất nước

Công nghệ - Ngày đăng : 07:34, 25/07/2016

(HNM) - Được thành lập năm 1998, tới nay Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc vẫn chưa tạo được điểm nhấn, thu hút nguồn nhân lực CNC, phát triển và ươm tạo CNC của khu vực phía Bắc. Chính vì vậy, cơ chế đặc thù được xem như bước đột phá để Khu CNC Hòa Lạc thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển theo đúng mục tiêu đã đặt ra.


Từ nhu cầu thực tế

Khu CNC Hòa Lạc được thành lập với mục tiêu tạo tiềm lực và động lực thúc đẩy phát triển KH-CN quốc gia. Đến nay, dù gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc về mô hình phát triển, giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách,... nhưng về cơ bản Khu CNC Hòa Lạc đã dần hình thành với những mục tiêu và định hướng rõ nét. Quy hoạch phát triển Khu CNC Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Một góc phối cảnh Khu CNC Hòa Lạc.


Tuy nhiên, đây là một mô hình mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, trong quá trình xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc, Bộ KH-CN không tránh khỏi những lúng túng, vướng mắc trong cách thức tổ chức thực hiện, về việc tìm kiếm nguồn lực cho phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách, xác định các kế hoạch ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ... Bộ KH-CN nhận thấy, cần phải có những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc của Khu CNC Hòa Lạc cho phù hợp với tình hình thực tế, với đặc thù về mô hình tổ chức hoạt động và các nguồn lực hiện có, bảo đảm huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tránh lãng phí thời gian, không làm mất cơ hội của quốc gia và của các nhà đầu tư.

Trả lời câu hỏi, tại sao đến thời điểm này Bộ KH-CN mới nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ KH-CN, Trưởng ban Quản lý (BQL) Khu CNC Hòa Lạc cho biết: Sau một giai đoạn dài xây dựng và phát triển, khi mà các chính sách vĩ mô điều chỉnh hoạt động của khu CNC nói chung đã được hình thành tương đối đầy đủ, thì việc đánh giá các kết quả đạt được và các bài học kinh nghiệm rút ra sẽ mang tính toàn diện và tổng thể hơn, các khó khăn, vướng mắc và “rào cản” đối với sự phát triển của khu CNC cũng được nhận định một cách đầy đủ và khách quan hơn, việc đề xuất các định hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới của khu CNC cũng nhờ thế mà thêm sát với thực tế.

Xuất phát từ việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KH-CN xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc. Đến nay, Nghị định đã được hoàn thiện trình Chính phủ ban hành. Trong quá trình xây dựng, Bộ KH-CN đã lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư.

Tháo gỡ khó khăn

Cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc đang bắt đúng nhịp với sự quyết tâm của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ. Điều này góp phần vào sự đổi mới, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cùng với đó, chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường sẽ được phân định rõ, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho. Chính phủ sẽ tập trung lo xây dựng thể chế, cơ chế chính sách cho đầu tư, phát triển...

Đó cũng là những mục tiêu mà các nội dung đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc hướng tới. Dự thảo Nghị định cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc bao gồm 6 chương, 31 điều, tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc và tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp. Tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi pháp luật; Quy định cơ chế đặc thù thực sự có tác dụng giải phóng tiềm năng phát triển của Khu CNC Hòa Lạc trong phạm vi hệ thống pháp luật hiện hành. Quy định rõ thẩm quyền của BQL và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị có liên quan trong đầu tư, xây dựng, vận hành và quản lý theo phương châm ủy quyền tối đa để thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông" tại Khu CNC Hòa Lạc. Quy định các biện pháp khuyến khích, thu hút nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xác lập cơ chế để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng CNC của Khu CNC Hòa Lạc. Quy định về các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Mức độ, hình thức ưu đãi phù hợp với từng đối tượng, tùy thuộc vào hàm lượng tri thức và KH-CN; sử dụng đất hiệu quả. Sự thiết yếu đối với hạ tầng xã hội được xác định theo quy định của pháp luật hiện hành và sự cần thiết trong tiến trình phát triển của Khu CNC Hòa Lạc. Phát triển Khu CNC Hòa Lạc trên cơ sở đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, lấy mục tiêu nâng cao năng lực nội sinh về KH-CN của Việt Nam làm chủ đạo, không vì lợi ích kinh tế trước mắt để bảo đảm điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, người lao động đến làm việc và sinh sống tại Khu CNC Hòa Lạc yên tâm công tác và cống hiến.

Ông Yang Jae Kwan, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Y học Việt - Hàn cho biết: “Là nhà đầu tư có mặt tại Khu CNC Hòa Lạc từ năm 2007, có thể nói chúng tôi đã có quãng thời gian gắn bó đủ để hiểu nhà đầu tư trải qua khó khăn như thế nào và cần gì để phát triển. Chúng tôi rất mong chờ sự ra đời của cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc, bởi nó sẽ giải quyết được những vấn đề mà bấy lâu đang vướng, nhất là sự thay đổi mạnh mẽ để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực KH-CN, CNC”.

Với việc hoàn thiện Nghị định quy định các chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc trình Chính phủ ban hành, Khu CNC Hòa Lạc đã và đang hội tụ đủ các yếu tố để phát triển, trở thành cái nôi của KH-CN, nơi phát triển tiềm lực KH-CN cho đất nước.

Bài, ảnh: Liên Cơ