Bà Hillary Clinton sẽ đi vào lịch sử xứ Cờ hoa?

Thế giới - Ngày đăng : 06:20, 26/07/2016

(HNM) - Ngày 25-7 (giờ địa phương), Đại hội đảng Dân chủ Mỹ đã khai mạc tại bang Philadelphia. Ước tính có khoảng 50.000 người tham dự đại hội, trong đó có 5.000 đại biểu. Diễn ra trong vòng 4 ngày, đại hội sẽ bầu chọn các ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống đại diện cho chính đảng này tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton gần như chắc chắn sẽ đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2016.



Gần như chắc chắn, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ được trao tấm vé đại diện cho đảng "Con lừa" tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Trước đó, bà H.Clinton đã tuyên bố chọn ông Tim Kaine, 58 tuổi, Thượng nghị sĩ bang Virginia, làm ứng cử viên liên danh tranh cử vị trí phó tổng thống Mỹ. Ông T.Kaine có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với hai ứng viên khác là Thượng nghị sĩ Cory Booker của bang New Jersey và Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack. Việc lựa chọn ông T.Kaine làm bạn đồng hành cho thấy rõ hơn về kế hoạch giành phiếu của bà H.Clinton trước ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Dù đang có 2.806 phiếu đại biểu ủng hộ, vượt 423 phiếu so với số phiếu cần thiết để trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống, nhưng tại đại hội cựu Ngoại trưởng Mỹ cần phải có cách thuyết phục để giành được phiếu bầu của những người còn đắn đo và những cử tri thuộc phe độc lập. Sự kiện bà Debbie Wasserman Schultz, Chủ tịch đảng Dân chủ từ chức một ngày trước khi đảng này khai mạc đại hội là một cú sốc chính trị lớn. Bà D.W.Schultz bị buộc phải từ chức vì liên quan đến việc có khoảng 19.000 thư điện tử của một số quan chức thuộc Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ bị rò rỉ từ tháng 1-2015 đến tháng 5-2016. Các bức thư đã hé lộ một sự thật là một số nhân vật lãnh đạo đảng này không ủng hộ đối thủ của bà H.Clinton, điển hình là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Số thư điện tử trên do trang web Wikileaks công bố vài ngày trước. Điều này mâu thuẫn với các tuyên bố trước đó của đảng Dân chủ và quá trình tranh cử của bà H.Clinton rằng tiến trình vận động trong các vòng bầu cử sơ bộ là minh bạch và công bằng. Sự cố này ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh đảng Dân chủ thống nhất, đủ năng lực đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo một đất nước đang nhiều chia rẽ và bất an. Đồng thời cũng là trở lực gây khó khăn cho cuộc đua vào Nhà Trắng của bà H.Clinton trước ứng viên Cộng hòa D.Trump.

Thực tế, nhiều cuộc khảo sát cho thấy, giống như ông D.Trump, nữ chính trị gia 68 tuổi là một trong những ứng cử viên tổng thống ít được lòng dân nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vụ bê bối sử dụng hòm thư điện tử mật để trao đổi thông tin riêng khi bà còn giữ chức Ngoại trưởng đã ảnh hưởng đến uy tín mà bà đã cố gắng gây dựng từ lâu. Đảng Cộng hòa cũng tin rằng những kết quả không khả quan của những chính sách đối ngoại, trong đó có vấn đề Libya và Nga khi bà giữ cương vị người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ là điểm yếu lớn nhất trong cuộc chạy đua vào "ghế nóng" của bà H.Clinton.

Là một người phụ nữ nghiêm khắc và cứng rắn, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ dường như giành được sự chú ý từ cử tri nhiều hơn là chiếm được cảm tình của họ. Cựu Tổng thống B.Clinton cũng khẳng định, dù người vợ tài năng của mình không phải là một người có tầm nhìn xa, nhưng có tư tưởng tiến bộ. Giới phân tích đang nhìn nhận sự trở lại đầy mạnh mẽ và thuyết phục của bà H.Clinton sau 8 năm thất bại trong cuộc chạy đua giành vị trí đại diện của đảng Dân chủ, trước Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama. Thế nên, dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng vị ngoại trưởng thứ 67 của nước Mỹ sẽ đi vào lịch sử xứ Cờ hoa khi tham gia cuộc đua khốc liệt vào Nhà Trắng.

Thùy Dương