Có nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng?
Tài chính - Ngày đăng : 06:40, 26/07/2016
Nhà đầu tư đặt mã đăng ký mua cổ phiếu. |
Cả "họ" tụt dốc không phanh
Cổ phiếu "vua", hay "đại gia" đã từng có thời điểm các mã mang "họ" ngân hàng được giới đầu tư "săn đuổi". Nhiều người gọi đó là thời kỳ "vượng" của hệ thống ngân hàng khi khách hàng đua nhau "gõ cửa" để vay tiền. Không phải tìm cách cạnh tranh để hút khách, ngân hàng cứ mở ra là có lãi. Lợi nhuận của các ngân hàng lớn, với những con số nghìn tỷ đồng giúp ngành này trở thành kênh "hốt bạc", các tổng công ty lớn, hay bộ, ngành đều xin thành lập ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng "leo" đến con số hơn 30%, thậm chí là 40%. Cũng vì thế mà các mã cổ phiếu ngân hàng được giới đầu tư đánh giá cao, hầu như ai cũng muốn sở hữu các mã cổ phiếu này. Họ "săn" bằng mọi cách, mua trên sàn giao dịch không chính thức (sàn OTC), hay khi mã cổ phiếu được niêm yết, hoặc tìm cách để được mua cổ phiếu ưu đãi.
Từ cổ phiếu của các ngân hàng thương mại quy mô vừa như VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng), ABBank (Ngân hàng TMCP An Bình)..., đến các "ông lớn" như VCB (Vietcombank), MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội) đều trong danh sách ưu tiên của các nhà đầu tư.
Có thời điểm VPBank từng "leo" lên giá 130.000-140.000 đồng/cổ phiếu, ABBank: 80.000-90.000 đồng/cổ phiếu, VCB bán ra ưu đãi cũng cao "ngất ngưởng". Các sàn giao dịch OTC sôi động nhờ sự xuất hiện của các loại cổ phiếu này, bởi giá thay đổi theo từng ngày. Trên thực tế, giá cổ phiếu ngân hàng, cũng như các loại cổ phiếu khác bị "thổi" lên bởi giới đầu cơ, ai cũng nghĩ giá cổ phiếu sẽ có khả năng tăng cao, nên lợi nhuận nằm trong tầm tay.
Nhưng sau một thời gian dài phát triển quá nhanh, thị trường "vỡ", giá của các mã cổ phiếu rơi xuống '"đáy" và những mã "họ" ngân hàng không thể ngoại lệ. "Tụt dốc" không phanh, từ ngưỡng hơn 100 nghìn đồng/cổ phiếu, các mã này liên tục giảm, có thời kỳ chỉ còn vài chục nghìn đồng, thậm chí là vài nghìn đồng/cổ phiếu. Ngay cả những mã cổ phiếu được mua với giá "ưu đãi" cũng bị đổi thành "ngược đãi" vì giá "rơi" xuống mức quá thấp. Không chỉ có ngân hàng quy mô nhỏ, những "anh cả" trong hệ thống cũng phải chịu cảnh này, khi mỗi ngày bị bốc hơi cả tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
Không còn "đỉnh"
Mặc dù thời kỳ "tăm tối" của thị trường chứng khoán đã qua, các chỉ số chứng khoán đã dần hồi phục, VN-Index từ dưới ngưỡng 400 điểm đã chinh phục lại ngưỡng 600 điểm sau hơn 5 năm, nhưng cổ phiếu ngân hàng cũng như những ngành khác không thể quay lại thời kỳ "đỉnh". Giờ đây, các mã cổ phiếu này không còn được mang danh là "vua" hay "đại gia" như trước.
Điểm qua một số mã cổ phiếu trong mấy phiên gần đây cho thấy các mã này không bứt phá, chẳng hạn như CTG của Ngân hàng TMCP Công thương giá dưới 20.000 đồng/cổ phiếu, giao dịch ở mức 17.900 đồng, MBB: 15.200 đồng, ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu): 18.400 đồng, EIB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu): 11.900 đồng, STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín): 12.400 đồng, SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội): 6.100 đồng. Như vậy, các mã này đã "bay hơi" vài chục nghìn đồng/cổ phiếu so với trước. Tuy nhiên, trong các mã cổ phiếu ngân hàng, mã đang được đánh giá cao có VCB, với mức giá giao dịch hơn 50.000 đồng.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), mức giá thấp nhất của mã này trong 52 tuần qua là 35.000 đồng, mức cao nhất là 54.000 đồng. Đây cũng là một trong những mã hiếm hoi trả cổ tức 10%, trong khi các mã khác chỉ 5-7,5%. Những mã cổ phiếu vẫn còn trên OTC, chưa được niêm yết giá "rơi" xuống thấp hơn nữa, như LVPB (Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt) chỉ còn hơn 4.000 đồng, ABBank khoảng 6.000 đồng... Rõ ràng, nếu giữ cổ phiếu ngân hàng từ những ngày đầu, nhà đầu tư thua lỗ khá lớn, vì nhiều mã thậm chí còn chưa đến 1/10 giá trị ban đầu, trong khi cổ tức cũng chỉ dừng lại dưới 10%.
Vậy, "số phận" của các mã cổ phiếu ngân hàng sẽ ra sao? Có nên tiếp tục giữ các mã này? Trước đây, các cổ phiếu ngân hàng bị "thổi" giá lên cao, còn hiện nay đã phản ánh giá trị thật. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, nên khi muốn đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng cần phải xem đầy đủ báo cáo tài chính để đưa ra quyết định.
Thực tế là hệ thống ngân hàng đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất, về cơ bản quá trình tái cơ cấu thành công, những ngân hàng yếu đã bị loại, nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng không dễ gặp rủi ro trong thời điểm này. Hơn nữa, nếu nhìn vào kết quả hoạt động của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có thể dễ dàng nhận thấy hệ thống ngân hàng đã thực sự hồi phục, nhiều ngân hàng đạt kết quả kinh doanh cao, như VCB, VietinBank... Tuy nhiên, vẫn còn những ngân hàng kết quả không như kỳ vọng, nên để có thể sinh lời, nhà đầu tư cần chọn những cái tên có lợi nhuận tốt, tránh những ngân hàng vẫn còn nợ xấu.