Hạn chế lớn nhất là vấn đề tâm lý

Thể thao - Ngày đăng : 07:05, 27/07/2016

(HNM) - “Thể thao Việt Nam (TTVN) đã có một kỳ chuẩn bị cho tham dự Olympic tốt nhất từ trước tới nay. Hạn chế lớn nhất hiện nay vẫn là về tâm lý cho các VĐV, bởi chúng ta chưa có các HLV, các nhà tâm lý chuyên nghiệp để giúp VĐV vững vàng khi thi đấu ở đấu trường thế giới như Thế vận hội” -



- Ông có thể cho biết về sự chuẩn bị của Đoàn TTVN cho kỳ Olympic này?

- Đến thời điểm này, có thể khẳng định công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Trong các kỳ TTVN dự Olympic, từ năm 1980 đến nay, đây là kỳ chúng ta có lực lượng tham dự đông nhất. Năm 2016, Olympic được xác định là đấu trường trọng tâm của Ngành TDTT, có ý nghĩa nâng tầm TTVN. Qua nghiên cứu, phân tích kỹ về chuyên môn, chúng tôi xác định mục tiêu phấn đấu có 15 đến 20 VĐV có thể giành vé tham dự VCK Thế vận hội. Kết quả là chúng ta đã có được 23 VĐV vượt qua vòng tuyển chọn, hoàn thành xuất sắc mục tiêu về số lượng. Một điểm sáng nữa trong công tác chuẩn bị, đó là chúng ta đã giải quyết việc thành lập Tiểu ban y tế, kiểm tra doping rất nhanh, gọn.

- Việc thành lập Tiểu ban như vậy sẽ tránh được những rủi ro đáng tiếc trong ăn uống, sử dụng thuốc, duy trì thể lực cho VĐV?

- Đúng vậy, đó là điều rất cần thiết. Cũng liên quan đến vấn đề bảo đảm sức khỏe cho VĐV, Ngành TDTT đã bố trí tối đa các nguồn lực để phục vụ VĐV tốt nhất. Ví như với VĐV trọng điểm lực sĩ Thạch Kim Tuấn, chúng tôi đã bố trí để Tuấn đi máy bay hạng sang từ Mỹ sang thẳng Brazil, nhằm bảo đảm thuận tiện, an toàn, đỡ hao tổn thể lực cho VĐV.

- Dù vậy, chuyện giành huy chương Olympic vẫn là điều khiến người trong cuộc phải lo lắng, thưa ông?

- Thế vận hội Olympic mùa hè tổ chức thi đấu 306 nội dung của 28 môn thể thao, Đoàn TTVN tham dự 22 nội dung của 10 môn thể thao với mục tiêu phấn đấu có huy chương. Đây là mục tiêu rất khó, bởi xét về chỉ số chuyên môn, TTVN chỉ có thể đặt kỳ vọng vào 1 - 2 nội dung của cử tạ và bắn súng. Chúng tôi hy vọng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, lực sĩ Thạch Kim Tuấn sẽ có sự đột phá để có thể giành huy chương. Tuy có đến 23 gương mặt dự Olympic ở 10 môn thi đấu, nhưng không phải môn nào VĐV của ta cũng ở trong nhóm có thể cạnh tranh huy chương. Nhưng trong thi đấu thể thao luôn có yếu tố may mắn, nên chúng ta có thể hy vọng sẽ có bất ngờ ở môn thể dục và đấu kiếm.

- Thực tế cho thấy áp lực tâm lý ở đấu trường thể thao Olympic là rất lớn, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- TTVN luôn rất hạn chế về khâu chuẩn bị tâm lý, bởi chúng ta chưa có các HLV, nhà tâm lý chuyên hỗ trợ VĐV về tâm lý khi thi đấu, nhất là ở đấu trường lớn như Olympic. Chúng ta chỉ có thể cố gắng rốt ráo trong công tác chỉ đạo của ban huấn luyện, hoặc hỗ trợ tối đa về công tác tập huấn, thi đấu cọ xát tích lũy kinh nghiệm với nhiều dạng đối thủ khác nhau nhằm rèn tâm lý vững vàng cho VĐV. Hy vọng sự hỗ trợ ấy có thể bù đắp điểm yếu về tâm lý của các em khi ra đấu trường lớn.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

VĐV chuẩn bị thế nào để không bị ngợp?

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền: Tôi bị chấn thương lưng không thể thi đấu tại Giải Singapore mở rộng, nhưng sau thời gian nghỉ ngơi, tôi đã đạt sự ổn định về thể trạng, sẵn sàng để thi đấu. Đúng là tôi cũng có chút lo lắng vì đây là lần đầu tiên được dự Olympic. Theo lịch ngày 12-8 tôi sẽ bước vào thi đấu, tôi sẽ cố gắng để có thể vượt qua thành tích của chính mình.

VĐV thể dục dụng cụ Phạm Phước Hưng: Ngày 6-8, chỉ một ngày sau lễ khai mạc, tôi sẽ thi nội dung vòng treo và xà kép. Tôi luôn tự nhủ rằng, lúc thi đấu, luôn phải nghĩ đây là cuộc thi cuối cùng của mình, phải làm thế nào để không hối hận, bên cạnh đó là việc phải thả lỏng, thoải mái tâm lý.

Kiếm thủ Vũ Thành An: Hiện tại, tôi thấy rất ổn, đang điều chỉnh để điểm rơi phong độ đạt ở mức cao nhất tại Olympic. Đây là đấu trường lớn nên cá nhân tôi cũng thấy có phần áp lực. Ở môn kiếm, riêng việc vào đến VCK Olympic đã “hơn cả kỳ tích”. Huy chương thì ai cũng muốn, nhưng mục tiêu sát nhất của tôi vẫn là cố gắng vào sâu nhất có thể!

Mai Hoa