Nhà sáng chế chân đất

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:15, 27/07/2016

(HNM) - Học hết trung học phổ thông, chuyển sang học nghề sửa xe máy, rồi từ tình yêu với nghề cơ khí và sự đồng cảm với nỗi nhọc nhằn của bà con nông dân, Tạ Đình Huy ở thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ đã chế ra những chiếc máy nông nghiệp đa năng.


Vừa sửa xe, vừa sáng chế...

Anh Huy đón khách bằng một nụ cười tươi rói. Đã quá trưa nhưng xưởng vẫn rộn ràng tiếng máy cắt, hàn... Kéo ghế mời khách ngồi, anh vào chuyện nửa như giải thích, nửa như khoe: “Thời gian gần đây, xưởng chúng tôi làm không hết việc, khách hàng khắp nơi liên tục gọi về đặt hàng. Nắng nóng, anh em vẫn phải gắng làm để kịp giao hàng”.

“Nhà sáng chế chân đất” Tạ Đình Huy (áo kẻ) miệt mài với những sáng chế.



Gia đình thuần nông, bố mất, một mình mẹ lo cho hai anh em ăn học. Học xong lớp 12, để mẹ bớt vất vả, anh Huy không thi đại học mà lên Thái Nguyên học nghề sửa xe máy. Hai năm liền sống xa nhà, mỗi tháng được mẹ gửi cho 300 nghìn đồng để trang trải cuộc sống và học nghề. Anh cần mẫn học tập với mục đích sớm thạo nghề để về quê lập nghiệp, đỡ đần mẹ nuôi em trai ăn học.

Năm 2001, Huy về quê mở xưởng sửa xe máy, được bà con tin tưởng và có nguồn thu nhập đáng kể. Cặm cụi với nghề sửa xe nhưng Tạ Đình Huy luôn mơ ước được làm điều gì đó giúp đỡ người nông dân nghèo khó ở quê mình. Vốn yêu thích nghề cơ khí, anh nuôi hy vọng sáng tạo ra một loại máy nông nghiệp tích hợp nhiều chức năng. Nhiều đêm anh thao thức suy nghĩ để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Ngày ngày làm việc với những động cơ xe máy, những thiết bị, phụ tùng máy móc đã dẫn anh đến với ý nghĩ sẽ tận dụng chúng. Vừa sửa chữa xe máy để nuôi sống gia đình, anh vừa mày mò học chế tạo máy nông nghiệp.

Nhìn Huy suốt ngày lấm lem dầu mỡ, nhiều người khen anh có chí, nhưng cũng có người chê anh điên khùng, viển vông. Để ngoài tai tất cả những khen chê, Huy say mê đọc sách, lần tìm kiến thức rồi tới nhiều xưởng cơ khí ở Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm thực tế. “Ở đâu tôi cũng học được một chút, cùng với việc nghiên cứu sách vở và làm thử nghiệm thực tế, tôi bắt đầu hình dung ra những việc cần phải làm để chế tạo ra sản phẩm mong muốn”.

Hai năm mày mò tìm hiểu, hai tháng triển khai thực hiện, chiếc máy nông nghiệp đầu tiên tích hợp 3 chức năng là phun thuốc trừ sâu, cày kéo và bơm nước đã được đưa ra thử nghiệm trên cánh đồng thôn An Mỹ. Nhiều người tò mò ra xem chiếc máy do “kỹ sư chân đất” Tạ Đình Huy tạo nên. Lúc đầu là những ánh mắt ngạc nhiên, sau là những lời thán phục, ngưỡng mộ. Kể từ nay, chiếc máy này sẽ giúp người nông dân Thượng Vực bớt đổ mồ hôi trên đồng ruộng.

...và không ngừng sáng tạo


Trong cuộc trò chuyện với chàng “kỹ sư chân đất”, chúng tôi cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết, ý chí và sự nỗ lực đáng nể phục. Ví như năm 2005, khi chiếc máy đầu tiên trình làng, nhận được sự tin tưởng của bà con nông dân, những tưởng anh sẽ mãn nguyện với thành quả. Ấy vậy mà trong anh vẫn đầy trăn trở. “Đó là bởi sản phẩm đầu tay nên chưa như tôi mong muốn. Chiếc máy vẫn còn quá cồng kềnh, thiếu linh hoạt, lại chưa có nhiều chức năng. Tôi muốn nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện hơn” - anh Huy nhớ lại.

Phải cải tiến, phải tiếp tục sáng tạo! Những suy nghĩ đó cứ ám ảnh trong tâm trí anh. Năm 2010, để có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi mục tiêu, anh quyết định bỏ nghề sửa xe máy, “khăn gói” đi khắp các tỉnh, thành phố để nghiên cứu, tìm hiểu về các loại máy nông nghiệp và cả đặc điểm địa hình, khí hậu của mỗi địa phương. Chẳng những thế, anh còn quan sát, cẩn thận ghi chép lại những ưu - nhược điểm trong kỹ thuật canh tác của bà con nông dân. Sau những ngày tháng rong ruổi khắp các vùng miền là những đêm anh thức trắng hì hụi trong xưởng máy. Năm 2014, với vốn kiến thức thu được cũng như những nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Huy cho ra đời chiếc máy nông nghiệp đa năng "8 trong 1". Với việc tích hợp các chức năng như: Cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, bơm nước tưới tiêu, công việc của bà con nông dân đỡ vất vả rất nhiều.

Chiếc máy “made by Tạ Đình Huy” được thử nghiệm trên chính thửa ruộng của gia đình, ban đầu cũng chỉ phục vụ sản xuất trong thôn An Mỹ. Nhưng dần dần, tiếng lành đồn xa, những đơn hàng từ mọi miền đất nước tới tấp tìm đến với chàng trai 8x kiên trì, chịu khó này. Hiện nay, anh đã chế tạo được chiếc máy tích hợp 12 chức năng. Mỗi năm xưởng của anh Huy sản xuất hàng trăm chiếc máy với giá bán từ 7 đến 17 triệu đồng/chiếc, tùy từng loại, tích hợp nhiều hay ít chức năng. Năm 2015, thông qua một số Việt kiều sinh sống, làm việc tại Lào, anh xuất khẩu một số máy sang nước bạn và nhận được những phản hồi tích cực. Sản xuất không kịp, anh mở thêm xưởng, thuê thêm thợ làm cùng. Hiện, anh có 2 xưởng chế tạo máy, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với mức lương từ 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Huy cho biết: “Mặc dù khá hài lòng với mẫu mã và chức năng của chiếc máy "12 trong 1" nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của máy, phục vụ đắc lực cho việc sản xuất của bà con. Trong tương lai, khi có đủ điều kiện, tôi cũng sẽ mở rộng xưởng để có thể sản xuất thêm nhiều máy, đáp ứng nhu cầu của nông dân cả nước”.

Với những gì đã làm được, anh Tạ Đình Huy được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen Gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Nhưng trên tất cả, câu chuyện về chàng trai nghèo dám ước mơ và quyết tâm theo đuổi mơ ước là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập...

An Tâm