Đề xuất hơn 3.700 tỷ đồng đầu tư xây dựng đoạn Cổ Tiết-Hòa Lạc

Giao thông - Ngày đăng : 16:07, 27/07/2016

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa có đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Cổ Tiết - Hòa Lạc theo hình thức Hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) với tổng mức đầu tư 3.708 tỷ đồng.


Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Cổ Tiết-Hòa Lạc có lưu lượng giao thông lớn, trong đó Quốc lộ 32 đoạn Cổ Tiết-cầu Trung Hà đang hoàn thiện nâng cấp 2 làn xe (việc nâng cấp 4 làn xe theo quy hoạch là khó khăn do địa hình 2 bên là đê và khu vực đông dân cư) gần như mãn tải với lưu lượng giao thông hiện tại, cần thiết có tuyến đường song hành để phân bổ lại giao thông.

Mặt khác, đoạn cổ Tiết-Hòa Lạc sẽ hoàn chỉnh mạng lưới giao thông hiện tại bằng việc kết nối với trung tâm thủ đô Hà Nội qua Đại lộ Thăng Long và thành phố Hòa Bình qua đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực dự án.

Dự án có chiều dài 38km nằm trên địa bàn 2 tỉnh Phú Thọ và Hà Nội. Điểm đầu tuyến khoảng km337 thuộc địa phận xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Điếm cuối tại nút giao đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình (khoảng km7+000 lý trình đường Hòa Lạc-Hòa Bình) thuộc địa phận xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội.


Tuyến đường Cổ Tiết-Hòa Lạc. (Nguồn: Google Map)


Giai đoạn 1, dự án đầu tư theo đường cấp 3 đồng bằng 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô 04-06 làn xe cao tốc, tuyến đường có cấp độ 80-100km/giờ.

Phía đơn vị lập đề án cũng đưa ra tổng mức đầu tư cho tuyến đường Cổ Tiết-Hòa Lạc lên tới 3.708 tỷ đồng theo hình thức BOT, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách 839,3 tỷ đồng cho hạng mục giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư BOT bao gồm lãi vay là 2.869,2 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 459,4 tỷ đồng chiếm 16%; vốn vay thương mại 2.409,8 tỷ đồng, chiếm 84%).

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư được tách thành tiểu dự án riêng do Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ và thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện. Diện tích chiếm dụng đất khoảng 125,4ha.

Đề cập đến phương án tài chính hoàn vốn dự án, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đưa ra thời gian hoàn vốn là 23 năm, tính từ thời điểm bắt đầu khai thác (năm 2020) với mức thu phí 1.200 đồng/km, lộ trình tăng phí 12%/3 năm.

Tuyến đường sẽ được áp dụng hình thức thu phí kín trong đó bao gồm 2 trạm thu phí chính tại điểm đầu km337+500, cuối dự án km373+500 và một trạm thu phí phụ tại vị trí nút giao liên thông khoảng km360+000.

Nếu được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý phê duyệt, dự án sẽ có khởi công từ năm 2017 và hoàn thành trong quý 1/2020./.

Theo Vietnam+