Tạo đà cho tăng trưởng bền vững

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 28/07/2016

(HNM) - Hệ thống hạ tầng giao thông được ví như “mạch máu” của nền kinh tế. Vì thế, chưa có giai đoạn nào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô lại có bước phát triển vượt bậc như những năm vừa qua, với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực cũng như khả năng đáp ứng cho sự phát triển của Hà Nội giai đoạn tới đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.


Ngoài những dự án đang triển khai, giai đoạn 2016-2020, Bộ GT-VT tiếp tục cùng Hà Nội tập trung đầu tư 65 dự án giao thông với tổng kinh phí gần 430.000 tỷ đồng. Việc bố trí danh mục dự án đầu tư được thực hiện trên cơ sở hoàn chỉnh những tuyến đường đang dở dang, nối thông những đoạn đang vướng mắc nhiều năm qua chưa thực hiện được; tập trung xây dựng các trục xuyên tâm có tính chiến lược và các tuyến đường vành đai để giảm lưu lượng xe vào nội đô. Đặc biệt, Hà Nội sẽ phát triển giao thông công cộng (xe buýt nhanh, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm) để giảm lưu lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông… Các công trình này cơ bản hoàn thành trước năm 2025; đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đầu tư cho giai đoạn trung hạn tiếp theo.

Mục tiêu, địa chỉ đầu tư đã rõ, vấn đề cần quan tâm thời gian tới là làm sao kích hoạt được những dự án này sao cho hiệu quả.

Muốn vậy, điều quan trọng đầu tiên cần làm là hoàn thiện cơ chế quản lý, khuyến khích và thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, BT, BOT... cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đầu tư và việc quản lý khai thác, sử dụng sau đầu tư, đặc biệt là các công trình giao thông hiện đại, Việt Nam chưa có kinh nghiệm vận hành như các tuyến đường sắt đô thị.

Tiếp đến là tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, trong đó có lộ trình và các biện pháp thích hợp (cả biện pháp hành chính và kinh tế) nhằm từng bước tăng tỷ lệ hành khách sử dụng giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy tại một số khu vực trung tâm.

Hà Nội cũng phải giải quyết “điểm nghẽn” lớn nhất bấy lâu nay trong xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đó là hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ các dự án, qua đó, nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình.

Một đòi hỏi cấp thiết khác là phải sớm xây dựng lộ trình và có bước đi thích hợp trong việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh cho Thủ đô Hà Nội. Trong đó tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hệ thống giao thông thành phố, lấy trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối đèn tín hiệu giao thông, camera giám sát tại các nút giao thông, các tuyến đường trọng điểm và có biện pháp phân luồng từ xa khi ùn tắc xảy ra.

Ngoài ra, cũng cần kết nối và quản lý phương tiện giao thông công cộng, xe buýt, xe khách liên tỉnh, xe taxi... bằng hệ thống định vị GPS để bảo đảm việc chấp hành pháp luật giao thông và trật tự an toàn giao thông của lái xe và doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng được tốt hơn.

Muốn đón đầu cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đà cho tăng trưởng bền vững, kết cấu hạ tầng giao thông không thể trì trệ, lạc hậu. Do đó, hạ tầng giao thông của Hà Nội tất yếu phải hướng đến đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại, an toàn, xây dựng cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm, chuyên nghiệp hơn.

Đan Nhiễm