Xây dựng du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô
Du lịch - Ngày đăng : 06:46, 28/07/2016
Đây là một trong hai nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, nhằm tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch Hà Nội cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững; đến năm 2020 đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Nghị quyết đề ra 4 nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, thành phố phấn đấu đến năm 2020 đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình 8 - 10%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 15 - 17%/năm. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60 - 65%. Đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.
Trong Nghị quyết 06, Ban Thường vụ Thành ủy xác định rõ 5 quan điểm lãnh đạo chỉ đạo về phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới. Đáng chú ý, xây dựng du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân. Phát triển du lịch Thủ đô gắn với phát triển du lịch nội địa và quốc tế, thu hút khách du lịch quốc tế tới Hà Nội, bảo đảm phát huy tốt vai trò là trung tâm du lịch của cả nước, tăng cường liên kết vùng, kết nối giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong nước, với khu vực và quốc tế.
Kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô và của dân tộc, với bảo vệ thiên nhiên và môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô theo hướng bền vững, xây dựng Hà Nội là điểm đến: “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác, như du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí, du lịch, thể thao... Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, các tầng lớp nhân dân để phát triển du lịch trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.