"Nhuộm vàng" tấm huy chương
Giáo dục - Ngày đăng : 07:16, 28/07/2016
Chuẩn bị công phu...
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức IBO năm 2016 cho biết: Khởi động của hành trình này bắt đầu từ ngày 14-12-2012, khi Bộ GD-ĐT chính thức có công văn giao Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì tổ chức sự kiện này. Rất nhiều đầu việc đã được Bộ GD-ĐT "gạch đầu dòng", từ tổ chức đưa - đón các đoàn quốc tế tới dự thi, bố trí nơi ăn nghỉ, các dịch vụ kỹ thuật, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tham quan, du lịch, soạn thảo đề thi, coi thi, chấm thi, trao giải với yêu cầu đơn vị chủ trì tổ chức phải hoàn thiện theo đúng Quy chế IBO và quy định của Hội đồng quốc tế đối với nước đăng cai tổ chức IBO.
Vũ Thị Chinh, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đoạt Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế 2016. |
GS.TS Nguyễn Văn Minh nhớ lại: Các đầu việc chuẩn bị rất nhiều, và bất kể từ việc lớn đến việc nhỏ, đều đòi hỏi sự chu toàn tuyệt đối. Vậy là, bắt đầu từ những đầu việc tưởng chừng nhỏ nhất như tổ chức đội sinh viên tình nguyện để phụ trách, hướng dẫn từng đoàn quốc tế tới dự thi tại Việt Nam. Hàng nghìn sinh viên của các trường đại học danh tiếng trên địa bàn Thủ đô đã được thông báo để tuyển chọn, sau nhiều vòng phỏng vấn, chốt lại được 110 gương mặt xuất sắc nhất. Yêu cầu của đội ngũ này không chỉ là khả năng ngoại ngữ, mà còn có hiểu biết về văn hóa của các nước trên thế giới. Các em được Bộ Ngoại giao tập huấn cụ thể, cặn kẽ từ điều đơn giản như cách xưng hô, nói chuyện, ứng xử với bạn bè các nước, tìm hiểu về phong tục từng nước ra sao, cách ăn uống, sở thích của con người đến từ các quốc gia khác nhau như thế nào...
Việc quan trọng nhất là soạn thảo đề thi. Đánh giá về công việc này của nước chủ nhà, Chủ tịch IBO quốc tế Poonpipope Kasemsap nhận định: Tại nhiều kỳ IBO, thường thì 30% số lượng câu hỏi trong đề thi bị bỏ lại, nhưng IBO lần này, do Việt Nam đăng cai tổ chức, toàn bộ các câu hỏi trong đề thi đều được giữ, không có câu nào bị điều chỉnh hay loại bỏ. Các câu hỏi trong đề thi vừa đề cập đến vấn đề thời sự, mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia như biến đổi khí hậu, đồng thời cũng có những câu hỏi mang nét đặc thù của Việt Nam, điển hình là câu chuyện rừng ngập mặn... Đó là với đề thi lý thuyết, còn ở đề thi thực hành, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, chỉ riêng việc thu thập 252 bộ mẫu vật giống nhau như đúc (về các loài bướm) cho các thí sinh tham dự phần thi thực hành đã đem đến một ấn tượng đặc biệt đối với bạn bè quốc tế.
...và những nỗ lực
Huy chương Vàng duy nhất của đội tuyển Việt Nam tại IBO 2016 năm nay thuộc về Vũ Thị Chinh, học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là tấm Huy chương Vàng thứ hai của đội tuyển học sinh Việt Nam tại các kỳ IBO quốc tế - kể từ năm 1996, khi Việt Nam tham dự IBO lần đầu tiên.
Yêu thích môn sinh học từ khi còn học THCS, sau năm học lớp 9, Vũ Thị Chinh quyết tâm thi vào Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Một thân, một mình ở Thủ đô, trọ học trong ký túc xá, lại là con gái, sống xa bố mẹ, Chinh bộc bạch: "Vẫn còn run, nhưng khi ấy, em bị cuốn theo lịch học dày đặc và những đam mê khám phá môn học yêu thích ở một môi trường mới có nhiều thuận lợi, nên dường như quên hết mọi điều".
Trong 3 năm học, có những thời điểm đam mê theo đuổi lĩnh vực sinh học của em tưởng chừng bị gián đoạn, bởi bố mẹ Chinh ở Hải Dương gặp không ít khó khăn về kinh tế. Hơn một lần, cô học trò Vũ Thị Chinh phải nghiêm túc suy nghĩ, cân nhắc để quyết định có nên dừng lại mơ ước này, trở về quê học tập như bạn bè đồng trang lứa, hay kiên trì bám trụ, theo đuổi mơ ước... Nhờ có sự động viên từ bố mẹ, từ các thầy cô giáo và cả sự đồng hành của các nhà tài trợ, Chinh đã nỗ lực bước tiếp. Đang học lớp 11, Chinh đã được chọn vào đội tuyển quốc gia cùng với các anh chị lớp 12 của trường dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải Nhất. Lên đến lớp 12, Vũ Thị Chinh tiếp tục góp mặt và đoạt giải Nhì tại kỳ thi này. "Khoảnh khắc nghe Ban tổ chức IBO xướng tên ở vị trí cao nhất, em như vỡ òa trong niềm hạnh phúc và ngay tức khắc, trong tâm trí lần lượt hiện lên những hình ảnh của người thân với sự biết ơn vô hạn. Kết quả này không phải của riêng em, mà là thành quả và sự dìu dắt, chăm chút của rất nhiều người" - Vũ Thị Chinh xúc động chia sẻ.
Khi được hỏi về ước mơ, Vũ Thị Chinh tâm sự: Ước mơ từ ngày còn thơ bé của em là trở thành bác sĩ. Vì vậy, sắp tới em sẽ đăng ký xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội.
Tạm dừng với những câu chuyện về “cô gái vàng” của IBO năm 2016, tôi chợt nhớ tới câu chuyện của thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh, về một thí sinh quốc tịch Latvia có tên là Sofia Matisone. Dù không có thành tích cao tại IBO bởi bị hội chứng ruột kích thích, gây đau bụng trong buổi thi thực hành, phải vào điều trị trong bệnh viện, song cô nữ sinh đã vô cùng xúc động khi cảm nhận sự quan tâm, chăm sóc tận tình của các thầy, cô giáo, bạn bè Việt Nam. "Tôi vô cùng bất ngờ khi Sofia Matisone tìm gặp sau lễ bế mạc, nói rằng rất ngỡ ngàng, ấn tượng trước tình cảm và sự thân thiện của người Việt Nam và nói sau này khi có cơ hội, nhất định em sẽ quay trở lại đất nước bình yên, tươi đẹp này" - thầy Nguyễn Văn Minh chia sẻ trong niềm xúc động và tự hào.
Rõ ràng, một IBO 2016 đã trôi qua để lại niềm cảm hứng lớn vượt trên những thành tích và mang đậm dấu ấn, tinh thần Việt Nam.