Xã hội hóa sân khấu Hà Nội: Phải có đề án cụ thể

Văn hóa - Ngày đăng : 07:17, 28/07/2016

(HNM) - Cuộc hội thảo “Sân khấu Hà Nội với xã hội hóa” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức ngày 27-7, đã xới xáo lên vấn đề không còn mới nhưng chính là nhưng khúc mắc và lúng túng trong triển khai ở các đơn vị nghệ thuật Thủ đô bấy lâu nay.

Nhà hát Cải lương Hà Nội là một trong 5 đơn vị sân khấu sẽ chính thức xã hội hóa vào năm 2020.



Xã hội hóa sân khấu Thủ đô là cần thiết để làm cho hoạt động này đổi mới, khởi sắc, tránh tình trạng trì trệ, tiêu tốn kinh phí chỉ để hoàn thành kế hoạch mà ít quan tâm đến chất lượng, đến nhu cầu của khán giả như bấy lâu nay. Hiện các đơn vị sân khấu Thủ đô cũng như nhiều đơn vị sự nghiệp công lập khác đều chịu sự điều chỉnh của Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-2-2015 Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nên cũng đều chuẩn bị tinh thần và có những động thái ban đầu cho việc xã hội hóa. Theo kế hoạch của Sở VH-TT Hà Nội thì 5 đơn vị sân khấu của Hà Nội là Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội sẽ chính thức xã hội hóa vào năm 2020. Và đây là thời điểm tập dượt để chuẩn bị đề án cụ thể, phù hợp.

Nói về xã hội hóa sân khấu, lâu nay giới nghệ thuật vẫn dẫn ra các ví dụ điển hình khá thành công ở TP Hồ Chí Minh như Sân khấu 5B Võ Văn Tần, Sân khấu Idecaf, Sân khấu Kịch Phú Nhuận, Sân khấu Kịch Hồng Vân... Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Trí Trắc: Kịch nghệ đậm chất giải trí theo đề tài xã hội, kinh dị, trinh thám, gây cười tẻ nhạt của các đơn vị này gần đây đang dần vắng khách, không ít lần phải trả lại tiền, xin lỗi khán giả. Phần nhiều vì tác phẩm ít dần sự đầu tư cho chất lượng, thiếu tính giáo dục... Phải chăng xã hội hóa một cách thiếu định hướng như thế đã đến lúc phải thoái trào? Ở Hà Nội, hiện nay mới chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long tiến hành xã hội hóa hiệu quả, tự chủ trong hoạt động. Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tiến hành khoảng 30% - 50%. Các nhà hát còn lại cũng bắt đầu tiếp cận nhưng còn rất lúng túng. NSND Trung Hiếu, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nêu ví dụ về một tác phẩm xã hội hóa khá thành công của đơn vị, nhưng do không có cơ chế, quy định đầy đủ nên khi phân chia lợi nhuận thì nảy sinh khó khăn. Hình thức xã hội hóa mà các đơn vị sân khấu tại Hà Nội áp dụng hiện nay là tiếp cận với các doanh nghiệp, công ty để “xin” tài trợ, kiểu “được chăng hay chớ”. Nhiều nghệ sĩ than thở rằng thật khó, thật ngại mỗi khi đến doanh nghiệp vận động, mà hiệu quả chỉ mang tính ngẫu hứng, thiếu tính chiến lược.

NSND Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng, đa số các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, nên cơ chế xã hội hóa như thế nào cần phải có đề án phù hợp, cụ thể để các đơn vị chủ động khi triển khai. Còn NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định: Đối với các đơn vị sân khấu Thủ đô, nhất là sân khấu truyền thống thì việc xã hội hóa không có nghĩa là bị bỏ rơi, phải “tự bơi”. Nhà nước vẫn quản lý, vẫn đặt hàng tác phẩm và có đấu thầu.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đề xuất nên thành lập Quỹ phát triển nghệ thuật sân khấu Thủ đô, huy động từ khán giả, từ nhân dân để đầu tư trở lại cho tác phẩm. Càng nhiều tác phẩm hay thì khán giả càng ủng hộ cho Quỹ và càng kích thích nghệ sĩ sáng tạo.

An Nhi