Giải tỏa chợ tạm, chợ ”cóc”: Cần sự nỗ lực, bền bỉ

Đời sống - Ngày đăng : 07:35, 28/07/2016

(HNM) - Tâm lý chung của nhiều bà nội trợ là muốn ghé vào chợ “cóc” thay vì vào chợ lớn, siêu thị. Tuy nhiên, vì một Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp, văn minh, hiện đại, thì việc giải tỏa chợ tạm, chợ “cóc”, bố trí, sắp xếp đưa các hộ kinh doanh về đúng nơi quy hoạch là cần thiết.

Chợ “cóc” trong ngõ 74 đường Trường Chinh, sau Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Yên Vân


Một trong những nhiệm vụ của “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016” là xử lý chợ “cóc”, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Các chợ dân sinh được tổ chức, sắp xếp lại với nguyên tắc chỉ bán những mặt hàng thực phẩm thiết yếu, không kinh doanh quần áo, giày dép, đồ gia dụng. Nhắc lại câu chuyện giải tỏa chợ tạm trên phố Vũ Tông Phan (khu vực đầu cầu Lủ), cách đây hai năm, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết, đây là công việc rất phức tạp. Với vị trí giáp ranh giữa hai phường Định Công (quận Hoàng Mai) và Khương Đình (quận Thanh Xuân), mặc dù là chợ họp tự phát nhưng có tới hơn 300 hàng quán buôn bán thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín, hàng khô, tạp hóa, hàng ăn, hoa quả, quần áo, hàng rửa xe… Phố Vũ Tông Phan vốn đã nhỏ lại bị hàng trăm quầy hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nên giao thông hỗn loạn vào giờ cao điểm, khiến người dân rất bức xúc. Ông Nguyễn Văn Năm (ngõ 90, Đại Kim, Hoàng Mai) cho hay, khu vực bán thực phẩm tươi sống giữa đường, nước bẩn chảy xuống cống, rãnh khiến các hộ dân sống xung quanh ngạt thở vì mùi hôi thối. Cứ tưởng có chợ gần nhà thì tiện mua bán, nhưng ở đây, nhiều hộ dân chỉ mong cơ quan chức năng giải tỏa chợ tạm càng sớm càng tốt.

Lực lượng chức năng của hai quận Hoàng Mai, Thanh Xuân đã nhiều lần ra quân, nhưng do địa bàn giáp ranh, không duy trì kiểm tra, giám sát thường xuyên nên chợ lại tái họp. Việc xử lý triệt để không dễ trong một sớm một chiều, nếu không có sự nỗ lực, bền bỉ của các cấp chính quyền. Do đó, Công an quận Thanh Xuân và Hoàng Mai đã chỉ đạo công an các phường liên quan phối hợp, cắm chốt hằng ngày để kiểm soát tình hình. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường cùng phối hợp, góp phần bảo đảm trật tự ở khu vực… Kết quả, chợ đã được giải tỏa.

Lợi ích của việc quy hoạch lại chợ đã rõ, song giải pháp, lộ trình ra sao để đạt được hiệu quả và bền vững lại là vấn đề không đơn giản. Thực tế cho thấy, hầu hết các hộ kinh doanh tại chợ tự phát là những người nghèo, gọi là kinh doanh nhưng thực sự không có vốn, mà lấy hàng trước - trả tiền sau nhờ vào mối quan hệ quen biết; bỏ công bám chợ cả ngày để kiếm đồng lời chi tiêu cho gia đình. Với những trường hợp như vậy, việc đưa vào quầy sạp với mức thu theo quy định rất khó thực hiện được. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến chợ cóc, chợ tạm tồn tại dai dẳng; nơi chính quyền địa phương thiếu quyết liệt, nơi thiếu hệ thống chợ hoặc bố trí chưa phù hợp. Hơn nữa, tiền thuê ki ốt và mức thuế cao cũng khiến nhiều tiểu thương ngần ngại. Và nguyên nhân chính xuất phát từ tâm lý muốn mua rẻ và tiện dừng xe của người dân. Tính đến ngày 15-7, qua tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện và Chi cục Quản lý thị trường, trên địa bàn thành phố đã giải tỏa được 49 tụ điểm chợ “cóc”, trong đó một số đơn vị làm rất tốt là: Quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… Nhưng vẫn còn 90 tụ điểm chợ “cóc” nằm trên địa bàn các quận Ba Đình, Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên…

Việc quy hoạch lại hệ thống chợ không chỉ nhằm tăng cường kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa, xây dựng hệ thống kinh doanh chuyên nghiệp mà còn hướng tới bảo đảm mỹ quan cho thành phố, xóa bỏ những nhếch nhác, tạm bợ của mua bán vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, giải tỏa chợ tự phát, lập lại trật tự trong kinh doanh, trật tự đô thị là nhiệm vụ lâu dài, do đó phải có kế hoạch gồm nhiều nhóm giải pháp, giải quyết cả bài toán mưu sinh cho người lao động nghèo sống dựa vào lợi nhuận có được từ việc kinh doanh ở lòng đường, vỉa hè. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với chính quyền các quận, huyện rà soát lại mạng lưới chợ, đề xuất thành phố sắp xếp, bố trí, cải tạo các chợ dân sinh phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, Sở Tài chính và Cục Thuế Hà Nội sẽ rà soát lại việc thu phí chợ, để mức thu khuyến khích được tiểu thương vào chợ bán hàng mà vẫn có thu nhập ổn định. Thành phố cũng rất cần sự vào cuộc của người dân thể hiện qua việc mỗi người cần nâng cao ý thức vì cộng đồng, chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững, hiện đại.

Thanh Hiền