Xóa "điểm nghẽn" giải phóng mặt bằng
Giao thông - Ngày đăng : 06:50, 28/07/2016
Các đơn vị thi công tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình.Ảnh: Lê Chung |
Đến thời điểm này, dù tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) cả hai dự án cơ bản đáp ứng kế hoạch, song đã xuất hiện những "điểm nghẽn" ảnh hưởng tới tiến độ chung, đòi hỏi phải sớm có biện pháp tháo gỡ.
Những "điểm nghẽn"
"Các quận, huyện phải đóng vai trò chủ công trong công tác GPMB; các sở, ngành phải chung tay cùng quận, huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giao đất phục vụ thi công các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư, trên địa bàn Thủ đô". Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại buổi làm việc với Bộ GT-VT mới đây.
Trong hai dự án nói trên, tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2) có chiều dài khoảng 30km, tổng diện tích đất phải thu hồi là 888.539m2, liên quan đến quận Hoàng Mai và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên. Theo ông Nguyễn Viết Tĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường), tồn tại chủ yếu tại quận Hoàng Mai là chưa có giá bán nhà tái định cư phục vụ di dời các hộ dân và vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đối với 15 hộ dân trong diện GPMB; hiện Ban Chỉ đạo GPMB thành phố đang xem xét giải quyết.
Tại huyện Thanh Trì, dự kiến hết tháng 7-2016 sẽ chi trả tiền đền bù và bàn giao mặt bằng khoảng 70% khối lượng. Tại huyện Thường Tín, đến hết tháng 7-2016 đã chi trả tiền đền bù và bàn giao mặt bằng được khoảng 90% khối lượng. Riêng với 92 hộ còn lại thuộc xã Vạn Điểm (trong đó có 48 hộ có công trình thuộc phạm vi hành lang đường Pháp Vân - Cầu Giẽ), Trung tâm Phát triển quỹ đất đang phối hợp với UBND xã Vạn Điểm và đơn vị đo đạc, rà soát hồ sơ phục vụ điều tra khảo sát. Tại huyện Phú Xuyên, dự kiến đến hết tháng 7-2016 cũng sẽ bàn giao được trên 90% diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, xã Nam Phong đang vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với đất tự chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và các loại đất khác.
Với dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đại diện UBND huyện Thạch Thất cho biết, tổng diện tích đất phải thu hồi trên địa bàn là 28,2ha, thuộc địa bàn xã Yên Trung và Yên Bình. Đến nay, Hội đồng GPMB huyện Thạch Thất đã động viên nhân dân bàn giao trước 5,97ha đất. Vướng mắc nhất là ở các khu vực do đơn vị quân đội quản lý, trước đây đã giao cho các hộ canh tác. Nay, các hộ đã làm nhà ở và sinh sống ổn định. Tuy nhiên, trong bản đồ không đo vẽ diện tích từng hộ sử dụng mà đo gộp chung một thửa...
Chốt "mốc" tiến độ
Tại cuộc họp giữa UBND TP Hà Nội với Bộ GT-VT nhằm "thúc" tiến độ GPMB các dự án BOT mới đây, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ kiến nghị, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện và cơ quan có liên quan, sớm bàn giao đất nông nghiệp cho nhà đầu tư; chỉ đạo các huyện sớm hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư; các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai và tạo điều kiện di chuyển đồng bộ các công trình kỹ thuật với công tác đền bù cho các hộ dân, bảo đảm mặt bằng "sạch" cho nhà đầu tư.
Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.Ảnh: Huy Hùng |
Trong khi đó, ông Lưu Việt Khoa, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GT-VT) kiến nghị, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt phương án đền bù nhằm đẩy nhanh GPMB; chỉ đạo UBND huyện Thạch Thất sớm trình đề xuất giá đất ở để thu hồi đất cho dự án, phần thuộc địa bàn xã Yên Bình; cũng như đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ giải quyết kiến nghị của các hộ dân đang canh tác và sinh sống trên đất do quân đội quản lý. Phía nhà đầu tư cũng phải chuẩn bị tài chính, bố trí nhân sự để ngay khi có quyết định thu hồi đất, sẽ chi trả tiền đền bù cho các hộ dân.
Khẳng định Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt cho công tác GPMB, qua đó đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông khu vực cửa ngõ Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Với dự án Hòa Lạc - Hòa Bình, yêu cầu các đơn vị, từ nay đến ngày 15-8, bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp cho nhà đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền hỗ trợ GPMB cho các hộ dân. Đối với diện tích đất quốc phòng nằm trong diện GPMB, yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 khẩn trương đo đạc cụ thể các thửa đất người dân đang sử dụng.
Liên quan đến kiến nghị của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với các quận, huyện lên kế hoạch di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật. "Các quận, huyện phải đóng vai trò chủ công trong công tác GPMB; nếu có vướng mắc phải chủ động mời các sở, ngành xuống xem xét, giải quyết, phấn đấu chậm nhất trước ngày 30-8, phải giải quyết xong phần đất nông nghiệp, đất công; trước ngày 30-10, phải hoàn tất GPMB các trường hợp đất thổ cư, đưa các hộ dân về khu tái định cư.
Các vướng mắc liên quan đến tổ chức giao thông, các quận, huyện tổng hợp báo cáo thành phố, để phối hợp với Bộ GT-VT giải quyết và có phương án kết nối thống nhất với Sở GT-VT Hà Nội. Riêng vướng mắc về nhà tái định cư tại quận Hoàng Mai, liên ngành thành phố xây dựng thêm cơ chế cho người dân tự lo tái định cư. Các sở, ngành cũng phải chung tay cùng quận, huyện khắc phục khó khăn" - Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường đánh giá, các dự án BOT đang triển khai có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội giữa Hà Nội và các địa phương trong khu vực. Do đó, để các dự án sớm hoàn thành thì việc đẩy nhanh tiến độ GPMB đóng vai trò quan trọng.