Đại biểu kiến nghị siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách
Kinh tế - Ngày đăng : 17:22, 28/07/2016
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Nghị quyết (NQ) số 57/2013/QH13 ngày 12/11/2013, Quốc hội đã quyết định mức bội chi NSNN là 224.000 tỷ đồng, so với GDP dự toán 4.228.900 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Còn so với GDP thực hiện 3.937.856 tỷ đồng, thì bằng 5,69%. Chính phủ đề nghị quyết toán số bội chi là 249.362 tỷ đồng, vượt 25.362 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, bằng 6,33% GDP thực hiện, tăng so với dự toán đầu năm 0,64% GDP do tăng chi từ vốn vay ngoài nước ODA 26.169 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tài chính lý giải, sở dĩ bội chi vượt 25.362 tỷ đồng (gồm cả một số nhiệm vụ chi thường xuyên theo chương trình mục tiêu), chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nên giải ngân cao hơn dự kiến và tập trung vào các lĩnh vực giao thông 6.630 tỷ đồng, thủy lợi 3.313 tỷ đồng, các địa phương 9.365 tỷ đồng, dẫn đến phải tăng mức bội chi ngân sách tương ứng. Cụ thể như sau:
Những năm qua và năm 2014, nhu cầu vốn ODA rất lớn. Do cân đối NSNN khó khăn, trong dự toán Quốc hội quyết định, chỉ bố trí được 15.484 tỷ đồng. Trước sức ép của các nhà tài trợ, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân theo đúng tiến độ ký kết với nhà tài trợ để sớm đưa công trình vào sử dụng, vì thế số giải ngân thực tế là 41.653 tỷ đồng, vượt so với dự toán là 26.169 tỷ đồng; trong đó các bộ, cơ quan trung ương vượt 15.020 tỷ đồng, các địa phương vượt là 9.365 tỷ đồng; các nhiệm vụ chi thường xuyên chương trình mục tiêu vượt là 1.784 tỷ đồng (chi tiết theo phụ lục số VIII và phụ lục IX kèm theo). Cơ chế giải ngân vốn ODA rất phức tạp, trình tự, thủ tục giải ngân mỗi nhà tài trợ có sự khác biệt nhất định.
Do vậy khó dự toán được đầy đủ, chính xác ngay từ đầu năm kế hoạch; khi thực hiện, phải theo tiến độ giải ngân rút vốn thực tế với nhà tài trợ. Vì vậy, Chính phủ đã có báo cáo số 223/BC-CP ngày 19/5/2015 với Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ chín tháng 5/2015 về nguyên tắc quyết toán nguồn vốn ODA năm 2014 theo số thực tế giải ngân.
Trên cơ sở kết quả thực tế giải ngân vốn ODA đã đủ thủ tục ghi thu, ghi chi vào NSNN năm 2014 và đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, để giảm thiểu các bước trong quá trình quyết toán, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung dự toán và quyết toán NSNN năm 2014 đối với số giải ngân vốn ODA vượt dự toán 26.169 tỷ đồng nêu trên; đồng thời nhờ có nguồn tiết kiệm chi trong nước 807 tỷ đồng, nên bội chi chỉ tăng so với dự toán đầu năm là 25.362 tỷ đồng.
Về nguồn bù đắp: Vay trong nước 196.693 tỷ đồng; vay ngoài nước 52.669 tỷ đồng. Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, tính đến 31/12/2014, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 46,1%, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 38,3%, nợ công bằng 58,0%; trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và của Quốc hội.
Trong Báo cáo thẩm tra phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị QH cho phép bổ sung 26.169 tỷ đồng do giải ngân vốn ODA tăng vào dự toán chi NSNN năm 2014.
Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2014 gồm:
Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.130.609 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2013, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước);
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.339.489 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015);
Bội chi ngân sách nhà nước là 249.362 tỷ đồng, bằng 6,33% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.482 tỷ đồng).
Xử lý bằng pháp luật để sai phạm không lặp đi lặp lại
Trong phần thảo luận sau đó, Quốc hội đã nhận được ý kiến của nhiều đại biểu, trong đó đa phần các phát biểu đều yêu cầu phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách, không để sai phạm lặp đi lặp lại.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) |
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu ra con số hơn 26.169 tỷ đồng chi vượt dự toán mà theo ông đây là việc làm "tiền trảm hậu tấu" sai pháp luật, không đúng quy định. Uỷ ban Tài chính đã đề nghị Quốc hội chấp thuận cho đưa vào dự toán và quyết toán. Song theo ĐB này, đây là việc làm không chấp hành kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, cần phải có giải trình đầy đủ, làm rõ trách nhiệm chứ không thể nói rồi cho qua hoặc chỉ dừng lại ở rút kinh nghiệm.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhấn mạnh, lần đầu tiên bà nêu kiến nghị trước Quốc hội, đề nghị Chính phủ cho kiểm tra, thanh tra những đơn vị đã được nêu trong Báo cáo kiểm toán vi phạm vấn đề về chấp hành pháp luật trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước. Bởi từ trước đến nay, báo cáo kiểm toán cứ nêu, các đại biểu QH đồng ý thực hiện theo kiến nghị nhưng sai phạm vẫn lặp đi lặp lại. Nếu không xử lý bằng pháp luật thì sẽ không nâng được hiệu quả quản lý sử dụng ngân sách.
Lần ĐB mới tại QH khoá XIV, ông Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) bày tỏ nhiều quan ngại khi bội chi NSNN 2014 vượt hơn con số được Quốc hội phê chuẩn là 5,3% GDP. Nợ công năm 2014 là 58,02% so với GDP.
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) |
Cụ thể, cấp độ nợ công tăng nhanh. So với 2013, cấp độ tăng là 17,1%. Chất lượng hiệu quả công tác quản lý nợ công còn nhiều hạn chế như quản lý còn phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp báo cáo. Điều này gây khó khăn cho kiểm toán nhà nước khi đưa ra con số hoặc đưa ra nhận định khách quan, chính xác.
Ngoài ra, Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng để xác nhận số dư nợ công là đầy đủ. Một số cử tri quan ngại chỉ số 58,02% so với GDP của nợ công có vẻ không sát thực tế. Nếu đối chiếu kịp thời, đầy đủ, có dư luận cho rằng con số này có thể còn cao hơn rất nhiều, có thể không còn nằm trong giới hạn cho phép theo quy định của Chính phủ và QH.
Bên cạnh đó, một số DN được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện biện pháp giảm thiểu rủi ro về lãi suất, tỷ giá, sử dụng vốn không hiệu quả, gây khó khăn trong trả nợ. Một số địa phương vay nhưng không lập kế hoạch vay và trả vốn vay, không bố trí đủ dự toán trả nợ và không có khả năng trả nợ. Như vậy, tất cả "trăm dâu đổ đầu tằm", đổ lên Chính phủ phải lo toan trả nợ.
Trên cơ sở đó, ĐB Tuấn đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tìm ra giải pháp cụ thể để hạn chế nợ công, phát huy nội lực theo khía cạnh phát huy nguồn tiền còn tồn đọng trong dân để đầu tư, giảm thiểu rủi ro, sức ép về tỷ giá, về lãi suất...
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) |
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) trích dẫn trong các báo cáo về tình trạng hầu hết các bộ, cơ quan TƯ, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại chế độ, tiêu chuẩn định mức sao cho phù hợp thực tế.
"Chúng ta còn khá nhiều tồn tại trong quản lý thu chi ngân sách lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Trong bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ "Chúng ta phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội... Tôi đồng tình và mong Chính phủ sẽ thực hiện đúng một số kiến nghị mà cử tri gửi đến, đặc biệt là tôn trọng, thực hiện nghiêm minh kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách" - ĐB Ngân phát biểu.
Dự kiến Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2014 sẽ được Quốc hội thông qua bằng hệ thống biểu quyết điện tử trong ngày mai (29/7), ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp.
Chiều 28/7, Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề với kết quả cụ thể: Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 với 455/458 đại biểu đồng tình (chiếm 92,11% tổng số đại biểu). Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 với 455/459 đại biểu đồng tình (chiếm 92,11% tổng số đại biểu). |