Thanh tra chồng chéo, cán bộ kế toán... không đủ thời gian làm việc

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:54, 28/07/2016

Không chỉ bị thanh tra bởi ngành thuế, doanh nghiệp còn phải tiếp những đoàn thanh kiểm tra của các đơn vị chức năng khác như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, mỗi đoàn có thể mất tới hàng tháng. Điều này được đại diện một đơn vị tại Hà Nội thú thực rằng, có khi cán bộ kế toán của doanh nghiệp không có cả thời gian để làm việc.

Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)


Nêu lên thực tế này trong Hội thảo đối thoại doanh nghiệp tổ chức sáng 28/7 tại Hà Nội, ông Hoàng Việt Cường, đại diện Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải cho hay, một năm đơn vị ông có thể phải tiếp nhận khoảng 4 đoàn thanh tra kiểm tra của các cơ quan khác nhau. Mỗi đoàn thanh kiểm tra thường sẽ thực hiện công tác chuyên môn nhanh có thể trong 1 tháng rưỡi nhưng có khi có thể lên tới 2-3 tháng.

"Cả năm, cán bộ chủ chốt kế toán không có thời gian làm việc" - ông Cường bộc bạch.

Vấn đề ông Cường nêu ra được bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đồng tình. Vấn đề này theo bà Cúc đã được chính bà nêu lên nhiều lần và báo cáo các cơ quan chức năng vì thực tế, công tác thanh tra hiện rất chồng chéo.

"Không chỉ ngành thuế mà còn Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, chưa kể có khi cả công an kinh tế cũng thực hiện thanh tra, thế nhưng các đơn vị lại không sử dụng kết quả của nhau", bà Cúc nói.

Bà Cúc đề nghị với lĩnh vực thuế thì cơ quan thuế là nơi chịu trách nhiệm tốt nhất, bởi vậy, các đoàn thanh tra của các cơ quan khác nếu tới doanh nghiệp mà đã có kết quả thanh tra của cơ quan thuế rồi thì nên lấy kết quả này.

Điều này theo bà cũng đồng nghĩa, nếu cơ quan thuế làm không đúng trong việc thanh tra doanh nghiệp thì ngành thuế sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bà Cúc bổ sung thêm, ý kiến này đã được Chính phủ ghi nhận khi nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 có nêu lên việc sẽ nghiên cứu ban hành quy chế thanh tra tại doanh nghiệp theo nguyên tắc không chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, đại diện Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, việc nghiên cứu cho ra đời quy chế này nên thực hiện sớm để tránh mất thời gian cho doanh nghiệp.

Cũng về thanh tra thuế, một thực tế khác được bà Nguyễn Thị Cúc nêu lên là, cơ quan chức năng vào thanh tra các doanh nghiệp thường bị giao chỉ tiêu nặng là phải có tiền truy thu mang về. Điều này theo bà tức là chính các đoàn thanh tra thuế cũng gặp sức ép.

Theo bà, thực tế có tình trạng doanh nghiệp biết mình làm sai chỗ này, chỗ kia nhưng cố tình để lại chỗ sai đó để cơ quan thuế vào thanh tra có thể tăng thu, có tiền nộp lại ngân sách. Vấn đề trên được bà Cúc khẳng định là "không hay" và "không đảm bảo tính thanh kiểm tra".

Góp ý thêm cho vấn đề trên, ông Hoàng Việt Cường cho rằng, nên chăng, thay vì cơ quan thuế trực tiếp đi thanh kiểm tra, có thể ủy quyền cho một số đơn vị khác như đại lý thuế, công ty kiểm toán làm việc này và tính phần trăm số tiền truy thu được để lại cho đơn vị thực hiện.

"Phần trăm để lại cao thì trách nhiệm, quyền lợi của các đơn vị đi làm sẽ tăng lên" - ông Cường nêu ý kiến./. 

Theo Việt Nam plus