Đổi mới từ tư duy đến hành động

Chính trị - Ngày đăng : 07:01, 28/07/2016

(HNM) - Việc thảo luận, làm rõ những nội dung cơ bản Văn kiện Đại hội XII của Đảng là cơ sở để sớm đưa các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng vào cuộc sống. Phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn của Văn kiện, các vị lãnh đạo Đảng, nhà lý luận, nghiên cứu đã đưa ra những điểm mới cần chú trọng trong giai đoạn hiện nay cùng với giải pháp cụ thể. Thay đổi từ tư duy đến hành động là đòi hỏi bắt buộc để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng…

Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề nổi bật, bao trùm, xuyên suốt trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Có thể nói, Đại hội XII lần đầu tiên đã nhận thức đầy đủ, toàn diện về xây dựng Đảng, mở rộng nội dung xây dựng Đảng trên mọi lĩnh vực, mọi phương diện, mọi mối quan hệ, do đó đã đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng văn hóa trong Đảng. Xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa trong tình hình hiện nay là điểm mấu chốt, cốt lõi làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng là Đảng lãnh đạo và cầm quyền. GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp của Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, để xây dựng Đảng về đạo đức cần phải chuyển từ ý thức đạo đức sang hành động đạo đức, không chỉ với nỗ lực tự giác, trách nhiệm của từng người mà còn phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, của những người lãnh đạo, nhất là phát huy vai trò của dân trong xây dựng Đảng.

Đề cập đến một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu trong xây dựng Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, trong giai đoạn hiện nay, lòng tin của nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào tính đúng đắn trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước; sự trong sạch, năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; sự gương mẫu, liêm chính của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo của Đảng... Những vấn đề này, chính là chiều sâu của công tác dân vận mà mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chính quyền cũng như mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc và thành tâm thực hiện.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, sẽ có 3 đề án được Trung ương xem xét thông qua nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ này. Đó là: Đề án về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (dự kiến tháng 10-2016); Đề án về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu” (dự kiến tháng 10-2017); Đề án về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (dự kiến tháng 5-2018).

Việc Đại hội XII của Đảng xác định phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Đẩy mạnh đổi mới thể chế

Đổi mới chính trị cần bắt đầu từ việc cụ thể, có thể bắt đầu từ việc nghiên cứu xây dựng mô hình, bộ máy tổ chức các cơ quan của Đảng, Nhà nước cho phù hợp. PGS.TS Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất, cần nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ; trước mắt là tập trung thí điểm hợp nhất cơ quan tổ chức của Đảng và cơ quan nội vụ của Nhà nước, cơ quan kiểm tra của Đảng và cơ quan thanh tra của Nhà nước. Nhiều ý kiến khác cũng kiến nghị Trung ương mở rộng thí điểm mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND hoặc Chủ tịch HĐND cùng cấp. PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định: “Việc gắn hai chức danh Bí thư và Chủ tịch làm bật lên vai trò và trách nhiệm cá nhân”.

Có thể thấy, Văn kiện Đại hội XII của Đảng có nhiều điểm mới, giờ là lúc phải đổi mới tư duy và hành động, đặc biệt là đổi mới hành động để thực hiện. “Chỉ có hành động quyết liệt, nhất là đổi mới đồng bộ thể chế chính trị thì mới có thể biến những ý tưởng đổi mới thành hiện thực, mới có thể đưa đất nước tiến lên” - PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm. Cải cách thể chế chính trị phải hướng đến việc bảo đảm bộ máy công quyền gọn nhẹ, phục vụ và kiến tạo và thực hiện tư tưởng “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân”. 

Quốc Bình