Những mũi tên của Abenomics sẽ sớm tiếp đích
Thế giới - Ngày đăng : 06:37, 29/07/2016
Một trong những mục tiêu của gói kích thích là bảo vệ doanh nghiệp Nhật Bản trước các tác động của Brexit. |
Thủ tướng S.Abe cho biết: Gói kích thích sẽ bao gồm khoảng 13.000 tỷ yên dành cho các chi tiêu của Chính phủ, các khoản chi công cho công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thu hút thêm du khách quốc tế... Và quan trọng hơn là việc bảo vệ các doanh nghiệp Nhật Bản trước thực trạng đồng yên tăng giá mạnh do hậu quả của Brexit. Về nguyên tắc, những khoản chi của Chính phủ cần được Quốc hội thông qua. Thế nhưng, đó chỉ là vấn đề thủ tục, bởi liên minh cầm quyền của Thủ tướng S.Abe đang chiếm đa số ở cả hai viện.
28.000 tỷ yên là con số vượt xa ước tính ban đầu. Nó tương đương với 6% giá trị nền kinh tế Nhật Bản và được đánh giá sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ đối với kinh tế nước này. Tuy nhiên, kế hoạch của Thủ tướng S.Abe đang trở thành tâm điểm của những lập luận trái chiều. Với một lượng tiền lớn được bơm vào thị trường, gần như chắc chắn Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ có động thái nới lỏng chính sách, bao gồm cả việc tăng cường mua lại các khoản nợ công nhằm thể hiện sự hợp tác tích cực với Chính phủ. Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, không ít chuyên gia của BOJ mong muốn trì hoãn việc nới lỏng chính sách cho tới khi gói kích thích có thể đạt hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng nhất định - ít nhất là giúp mức lạm phát tăng tới ngưỡng kỳ vọng khoảng 2%. Thậm chí đã có những ý kiến cho rằng liệu có nên "chắp cánh" cho gói kích thích hay ngược lại, tiết kiệm tài nguyên chính sách nhằm đối phó với việc nền kinh tế có thể chuyển hướng xấu trong bối cảnh đồng yên đội giá do các nhà đầu tư mua vào nhằm củng cố dự trữ tiền mặt cũng như những thay đổi về chính trị thế giới.
Sự đắt lên của đồng yên làm chậm đà phục hồi kinh tế xứ Phù tang khiến hàng hóa Nhật Bản bớt hấp dẫn và gây tổn thương cho lĩnh vực xuất khẩu. Lợi nhuận doanh nghiệp yếu có thể đè nặng khả năng tăng lương bổng và thu nhập hộ gia đình, dẫn tới những tác động tiêu cực đối với nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Chính phủ. Cũng vì những lý do này mà một số chuyên gia nghi ngại những tác động của gói kích thích không được như kỳ vọng.
Ngoài khoản 13.000 tỷ yên dành cho việc chi tiêu công, số tiền còn lại sẽ được chi trong các khoản trợ cấp mà Chính phủ Nhật Bản dành cho các công ty tư nhân hoặc từ các khoản vay mà các đơn vị do Chính phủ sở hữu một phần cung cấp ra bên ngoài. Nói cách khác, chúng không được coi là khoản chi trực tiếp của Chính phủ - đồng nghĩa với việc sẽ không giúp tăng trưởng kinh tế ngay lập tức. Như thế, dù Thủ tướng S.Abe đạt được thành công nhất định trong việc đưa cổ phiếu tăng lên tạm thời hay làm giảm giá trị đồng yên xuống 0,8% so với USD thì nhiệm vụ tăng tốc cho nền kinh tế Nhật Bản là cực kỳ phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, đây là mục tiêu lớn nhất mà Thủ tướng S.Abe đặt ra ngay từ những ngày đầu trên chiếc ghế quyền lực mà thể hiện rõ ràng nhất là việc thực hiện chính sách kinh tế mang tên Abenomics.
Cho dù đạt được hiệu quả như mong đợi hay không thì cũng phải nói rằng, Thủ tướng S.Abe là một chính trị gia quyết đoán và không ngại đương đầu với những rủi ro. Việc công bố gói tài chính “siêu khủng” này một lần nữa cho thấy sự tự tin và khao khát nhìn thấy những đột phá trong nền kinh tế xứ hoa Anh đào của ông. Hy vọng những mũi tên của Abenomics sẽ sớm tiếp đích