Di sản kiến trúc ở Thủ đô: Ðưa quá khứ vào đương đại

Đời sống - Ngày đăng : 14:12, 22/01/2023

(HNNN) - Nói đến di sản kiến trúc là nói đến quá khứ, nghĩ về di sản kiến trúc là nghĩ về món quà của tiền nhân gửi vào tương lai. Và, chẳng có nơi nào trên đất nước Việt mà món quà của cha ông trao truyền cho con cháu lại lớn lao và sâu nặng như ở Hà Nội - trái tim của cả nước.

Di sản kiến trúc là tài sản cho các thế hệ tương lai. Ảnh: Lê Việt Khánh

Những sáng tạo từ quá khứ

Trong số gần 6.000 di tích được kiểm kê tại Hà Nội, có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố..., cho thấy Thủ đô là địa phương có nhiều di tích nhất Việt Nam. Đặc biệt, di tích kiến trúc chiếm số lượng lớn. Chưa kể một số lượng lớn di sản bình dị của đô thị. Nói về di sản kiến trúc, người đương thời thường nghĩ về những gì xưa cũ, mang dấu ấn thời gian. Chẳng nhiều người ngộ được rằng, những cũ xưa ấy chính là biểu hiện sáng tạo ở thời đại mà chúng ra đời.

Thật vậy, những vòng thành đất cổ xưa nhất tại Cổ Loa là điển hình trác tuyệt cho sự sáng tạo của người Việt cổ, để lại sự ngợi ca trong những câu ca dao dân gian lưu truyền cho hậu thế:

“Ai về qua huyện Đông Anh

Ghé xem phong cảnh Loa thành Thục Vương

Cổ Loa hình ốc khác thường

Trải qua năm tháng dấu thành còn đây”.

Thành lũy của người Việt tiếp nối Cổ Loa, qua Hoa Lư, và đỉnh cao là ở Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã kế thừa cấu trúc ấy để góp phần làm nên lịch sử nghìn năm vàng son của Thủ đô. Những vòng thành ngày nay mang tên những con đường, tuyến phố Bưởi, Trần Khát Chân, Giảng Võ, La Thành, Trường Chinh, Yên Phụ, Trần Nhật Duật... còn đó như nhắc nhở về một di sản được trao truyền từ quá khứ.

Những “cổ tích” mà Hà Nội khai quật được ở khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 20 năm trước, đã hé lộ sức sáng tạo trong quá trình học hỏi nghệ thuật kiến trúc từ các nền văn hóa khác để tạo nên dấu ấn riêng có trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Chẳng có quốc gia nào có biểu tượng rồng trong lá đề - sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng và triết lý của Phật giáo với biểu trưng uy quyền của hoàng gia trong kiến trúc thời Lý... Chỉ một chi tiết ấy cũng hàm chứa sự sáng tạo của cha ông ta để tạo ra tinh hoa. Những tinh hoa ấy hội tụ, qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, thể hiện trong di sản kiến trúc ở Thủ đô.

Trong sự hội tụ ấy, bản sắc Hà Nội vẫn không hề lẫn lộn hay hòa tan, mà như một mạch ngầm len lỏi, khéo léo khắc lên không gian thành phố những đường nét riêng làm mê đắm biết bao người. Những nếp nhà mái ngói rêu phong, lô xô, xen lẫn những sân trời nhỏ, nét đẹp bình dị đến nao lòng của “Phố Phái” đã đi vào thi ca, hội họa và trở thành bản sắc. Những giá trị xưa vẫn “sống” trên những con phố bắt đầu bằng từ “Hàng” sầm uất, hơi hướng thời đại mang trong lòng phố cổ nét truyền thống. Ở nơi ấy, những ngôi nhà không chỉ hiện thân cho sự đan xen giữa không gian nghề, không gian thương mại với không gian cư trú, mà còn khoác trên mình hình ảnh của nhiều phong cách kiến trúc lịch sử và đương đại. Một sự giao hòa thú vị. Những ngõ nhỏ tĩnh mịch như tách biệt với không gian sống động bên ngoài. Và, trên từng con phố dường như luôn xuất hiện dòng chảy thời gian vĩnh hằng của Kẻ Chợ ngày xưa. Bản hòa ca của “làng trong phố” là dòng chảy văn hóa mãnh liệt được vun trồng từ gốc rễ Thủ đô.

Ôi... quá khứ đã và đang đi cùng đương đại mà ít ai hay!

Có lẽ, cái quá khứ được vun trồng, kế thừa liên tục ấy đã trở thành lực hấp dẫn ngay cả với những người Tây phương khi họ đặt chân đến mảnh đất này. Bóng dáng của đầu đao cong vút trên mái đình, mái chùa... và nhiều trang trí kiến trúc khác đã được lồng ghép trong các công trình mới có chức năng và tỷ lệ kiểu châu Âu, như ở Đại học Dược, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trụ sở Bộ Ngoại giao và nhiều biệt thự trong khu phố cũ. Một phong cách sáng tạo mang tên kiến trúc Đông Dương đã ra đời cách đây tròn một thế kỷ. Để rồi các kiến trúc sư của thời đại Hồ Chí Minh lại tiếp nối, sáng tạo nên những kiến trúc mang phong cách hiện đại mà vẫn mang trong đó tinh thần dân tộc. Tất cả đã làm nên một lớp trầm tích mới của kiến trúc Hà Nội ngày nay.

Không “đóng băng” di sản

Thủ đô đang trong trào lưu đô thị hóa mãnh liệt nhất trong lịch sử. Bảo tồn di sản kiến trúc trở thành bài toán khó, và phát huy giá trị của chúng trong đương đại là một vấn đề nan giải. Mỗi công trình của quá khứ bị phá bỏ để làm mới, lại trở thành chủ đề gây tranh cãi - bàn luận. Những công trình mới to lớn hơn, hiện đại hơn xuất hiện trong khu vực nội đô cũ ngày một nhiều. Người thì lo ngại cho sự lấn át, dẫn đến phá vỡ không gian của một đô thị lịch sử, người lại cho rằng không thể sống mãi với quá khứ - khi quá khứ đang là lực cản cho sự phát triển.

Thật thú vị khi thấy những thử nghiệm, tuy còn ít ỏi nhưng cho thấy lời giải sáng tạo bằng nhiều hình thức. Một tòa nhà Quốc hội hiện đại, nơi di sản kiến trúc phát lộ từ quá trình khảo cổ học, được đặt ở 2 tầng hầm. Với ý nghĩa: Quá khứ là nền tảng của tương lai, là bệ đỡ cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân - biểu đạt cho không gian hội trường Diên Hồng trên những tầng cao nhất của công trình. Tất cả được bao bọc trong hình tượng “bánh chưng, bánh giầy” vững vàng từ quá khứ. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đang trên đường trở thành “công viên di sản đa chức năng”, nơi không chỉ phục vụ du lịch, tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, mà còn trở thành không gian giáo dục lịch sử trực quan, hiệu quả cho mọi tầng lớp nhân dân.

Người Hà Nội đang dần biết đến những căn nhà trong khu phố cổ được bảo tồn theo xu hướng mới - những giá trị văn hóa xưa cũ được tái hiện dưới góc nhìn đương đại, mà điển hình là ở ngôi nhà di sản 38 Hàng Đào. Ở đó, việc bảo tồn kiến trúc gắn liền với đổi mới không gian, hồi sinh đi kèm với duy trì chức năng thương mại xưa cũ trong tư duy thời đại. Thủ đô Hà Nội tự hào bởi các không gian đi bộ đang được nhân rộng bên cạnh những hồ nước xưa: Hoàn Kiếm linh thiêng, Đảo ngọc Trúc Bạch, Thiền Quang nhỏ nhắn, hay Trịnh Công Sơn bên hồ Tây huyền ảo... Tất cả là không gian văn hóa mới, nơi hội tụ của người dân Hà Nội dịp cuối tuần. Một số căn biệt thự Pháp đang mang trong mình những giá trị mới trong hình dáng cũ được bảo tồn, khi trở thành những công sở, cửa hàng... Có những không gian “Ơ kìa Hà Nội” đang được các bạn trẻ thiết lập trong căn hộ chung cư cũ, để làm nơi níu chân những lãng khách yêu di sản Thủ đô.

Quá khứ len lỏi vào hiện tại, với một triết lý mới theo quan niệm phương Đông. Vạn vật trên đời đều có vòng đời và tuổi thọ, khi đã hoàn thành trách nhiệm của mình sẽ mất đi. Việc bảo tồn một thứ gì đó, theo cách cực đoan, sẽ mang tính phản tự nhiên. Không nên “đóng băng” di sản tại các bảo tàng nếu không muốn chúng biến mất nhanh hơn. Nếu muốn di sản “sống”, chúng ta buộc phải thay đổi nó và sáng tạo nó.

Và, có lẽ nhiều người không nhớ được, 78 năm trước, vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong Sắc lệnh về “Bảo tồn cổ tích”, văn kiện nay đã trở thành di sản tư liệu quốc gia. Chỉ với một ý “Xét rằng việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”, Người đã cho thấy việc bảo tồn di sản kiến trúc không chỉ là bảo vệ sự trường tồn của cội nguồn dân tộc, mà còn đồng hành cùng quá trình phát triển của các thế hệ tương lai.

Đó chính là tầm nhìn thiên tài, để đưa quá khứ vào đương đại.

TS.KTS Vũ Hoài Ðức