Phòng chống tội phạm mua bán người: Trách nhiệm của toàn xã hội
Pháp luật - Ngày đăng : 07:12, 30/07/2016
5 năm, 2.200 vụ
Theo Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, nạn buôn bán người đang diễn ra phức tạp và nghiêm trọng. Giai đoạn 2011-2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 2.200 vụ, với 3.300 đối tượng; tổ chức giải cứu, tiếp nhận gần 4.500 nạn nhân. Không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên mà còn xuất hiện mua bán đàn ông, nội tạng...
Về thủ đoạn mới, cơ quan công an cho biết, thời gian gần đây, đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách mở cửa, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, một số nước miễn thị thực… để tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép, sau đó, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.
Theo Thượng tá Lê Huy, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP, về cơ bản, thủ đoạn của tội phạm vẫn là dụ dỗ người có nhận thức, hiểu biết kém, có khó khăn về kinh tế, trắc trở trong đời sống gia đình. Chúng hứa hẹn bố trí công ăn việc làm không vất vả cho họ với thu nhập khá. Với đặc điểm đó, Hà Nội cơ bản không phải là “đất” của tội phạm mua bán người. Trên địa bàn thành phố chưa phát hiện đầu mối, nạn nhân của tội phạm mua bán người. Nhưng, Hà Nội lại là nơi tội phạm tổ chức trung chuyển nạn nhân ra nước ngoài theo 3 tuyến: Đi đường bộ đến vùng biên các tỉnh biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng; đi đường sắt đến Lạng Sơn, Lào Cai và qua tuyến hàng không từ Sân bay quốc tế Nội Bài đi các nước.
Nâng cao cảnh giác, trách nhiệm
Nắm bắt được phương thức đó, CATP đã và đang chủ động rà soát, phát hiện và triệt phá các đường dây mua bán người qua địa bàn. 6 tháng đầu năm nay, CATP đã phát hiện 2 vụ án đối tượng là người tỉnh ngoài lừa bán 6 phụ nữ, trung chuyển qua Hà Nội. Trung tá Lê Khắc Sơn, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP cho biết, nếu các đường dây này không được phát hiện, tội phạm sẽ đưa nạn nhân lên khu vực biên giới, móc nối với đối tượng người nước ngoài, sau đó đe dọa, cưỡng bức nạn nhân đưa qua biên giới. Trong hai vụ án trên, CA Hà Nội và các đơn vị bạn đã có sự phối hợp, thông tin nhanh nhạy, sớm phát hiện, xử lý kịp thời, không để nạn nhân bị lưu chuyển đến vùng nguy hiểm.
Song, nhìn chung công tác phát hiện, đấu tranh với tội phạm mua bán người còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Về khách quan, Trung tá Lê Khắc Sơn cho biết, những năm qua, người dân các tỉnh đến Hà Nội tìm việc ngày càng tăng, rất khó quản lý. Bên cạnh đó, việc thông thương, giao lưu đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN có nhiều thuận lợi, song cũng là tuyến đường mở cho tội phạm dễ bề lợi dụng để đưa, cưỡng ép người qua biên giới.
Trong khi đó, đối tượng mua bán người có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, khi tiếp xúc với nạn nhân thường không bộc lộ nhân thân thật. Quá trình lừa dối nạn nhân, móc nối, đưa người qua các tuyến biên giới, cửa khẩu, chúng dùng nhiều số điện thoại khác nhau khiến cho nạn nhân và gia đình không có đủ thông tin để cung cấp cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, đặc thù của loại tội phạm này là “tội phạm ẩn”, chỉ khi bị hại được giải cứu hoặc trốn thoát trình báo, tố giác thì CA mới có cơ sở điều tra làm rõ…
Tội phạm mua bán người đã và đang có những dấu hiệu hoạt động hết sức phức tạp, gia tăng, mở rộng về đối tượng bị hại, đe dọa TTATXH, để lại những “di chứng” nghiêm trọng không chỉ cho bị hại, gia đình mà cả xã hội. Để ứng phó với tội phạm này cần có trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 30-7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” chính là một trong những biện pháp để nâng cao nhận thức của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị về mối nguy hại của loại tội phạm này.
Bên cạnh nhiệm vụ của cơ quan CA là tăng cường nắm tình hình, phát hiện, phối hợp điều tra, khám phá các vụ án, đường dây phạm tội, truy bắt đối tượng mua bán người, giải cứu nạn nhân… thì mỗi gia đình và toàn xã hội cũng cần nâng cao trách nhiệm phòng ngừa tội phạm cũng như tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.