Sự chuyển biến tích cực từ cô và trò

Giáo dục - Ngày đăng : 07:34, 30/07/2016

(HNM) - Khóa tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên (GV) chủ nhiệm của 20 trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội đang tham gia dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” năm 2016 đã kết thúc vào cuối tháng 6.


Nội dung của khóa tập huấn do đội ngũ giảng viên của Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đảm nhận, triển khai thường xuyên hằng năm vào dịp hè. Bên cạnh việc tăng cường kiến thức, kỹ năng giảng dạy về giới tính và bạo lực trên cơ sở giới cho GV, dự án mang lại sự thay đổi tích cực trong nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của lãnh đạo nhà trường, GV về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Những chuyển biến dễ thấy nhất ở các nhà trường là hình thức kỷ luật học sinh (HS) và cách thức giải quyết sự việc mà các thầy cô giáo áp dụng mang tính tích cực hơn, thân thiện hơn, việc trừng phạt về thân thể và tinh thần với HS chưa ngoan giảm; khoảng cách giữa GV - HS, GV - phụ huynh ngày càng được rút ngắn. Ghi nhận từ những học viên vừa hoàn thành khóa tập huấn trở về cho thấy, đã có những chuyển biến tích cực không chỉ ở phía các thầy, cô giáo mà còn cả từ phía HS.

Cô giáo Đinh Thị Bình, Trường THCS Nguyễn Du, huyện Sóc Sơn, cho biết đã tham gia tập huấn lần thứ 3 kể từ năm 2014 - khi nhà trường bắt đầu triển khai dự án - cho tới nay. “Sau khi kết thúc khóa tập huấn, tôi nhận thấy mình tự hoàn thiện hơn về kiến thức, kỹ năng về vấn đề giáo dục bình đẳng giới, nhất là hiểu thêm về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi HS cấp THCS. Đây là lứa tuổi thường được gọi là "dở dở, ương ương", nếu thầy cô không tế nhị, khéo léo thì rất dễ khiến con trẻ bị tổn thương và cố tình tạo khoảng cách với người lớn. Điều đáng mừng là ngày càng có thêm nhiều HS tự tìm đến để chia sẻ những điều khó xử, những chuyện khó nói. Một số bạn rụt rè hơn thì tìm đến thầy cô bằng cách viết thư, hoặc nhắn tin… Đây là những điều hiếm có ở thời điểm trước đây”, cô Đinh Thị Bình nói.

“Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” đã triển khai được hai năm tại 20 trường học của Hà Nội. Đã có 37% tổng kinh phí dự án được dành cho hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực của GV, HS, cán bộ tham vấn. Trong suốt chặng đường triển khai từ giữa năm 2014 đến nay, năm nào dự án cũng tổ chức các khóa tập huấn cho các đối tượng liên quan nhằm nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động của dự án. Đội ngũ GV là một trong những thành phần quan trọng khi dự án được triển khai tại các nhà trường.

Trong những khóa tập huấn như vậy, mỗi GV chủ nhiệm đều nhận diện được phần kiến thức, kỹ năng mình cần lấp đầy để trở nên hoàn thiện. Giảng viên hướng dẫn cũng nhận rõ những vấn đề cần bổ sung để hỗ trợ học viên một cách tốt nhất, giúp họ củng cố kỹ năng dạy học để thực hiện các bài giảng một cách hiệu quả, tạo tác động tích cực nhất tới HS cả về nhận thức và hành vi đối với vấn đề bình đẳng giới.

"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ Ủy thác của Liên hợp quốc. 

Thống Nhất