Ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?
Đời sống - Ngày đăng : 07:31, 30/07/2016
Từ những suất ăn chưa đạt chuẩn…
Để có giải pháp lâu dài kiểm soát vấn đề ATTP các bữa ăn ca, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động”. Nghị quyết quy định rõ, mức chi cho suất ăn ca tối thiểu bằng 0,6% mức lương tối thiểu và khi xảy ra ngộ độc thực phẩm (NĐTP), tổ chức công đoàn sẽ khởi kiện doanh nghiệp. Với mức lương tối thiểu vùng mới được áp dụng từ 1-1-2016, ước tính bữa ăn ca của người lao động tại các doanh nghiệp không thấp hơn 15.000 đồng/bữa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đến nay vẫn… chưa khả thi.
Tính đến hết ngày 13-6-2016, theo báo cáo của 74/82 Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố, trong số doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động, có gần 16.000 doanh nghiệp có mức ăn với giá trị từ 15.000 đồng/bữa trở lên (chiếm 79,88%). Như vậy, vẫn còn tới 20,12% bữa ăn ca công nhân thấp hơn quy định (15.000 đồng/bữa). Trong khi giá thực phẩm tăng cao, giá một suất ăn công nhân ở một số nơi còn thấp. Trên thực tế, giá trị suất ăn của người lao động còn có thể bị “xà xẻo” bằng cách mua thực phẩm giá rẻ, kém chất lượng, quy trình chế biến không bảo đảm an toàn...
Về vấn đề này, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, qua khảo sát ở nhiều địa phương, một nguyên nhân khiến NĐTP luôn đe dọa từ chối các bếp ăn tập thể là bữa ăn cung cấp cho công nhân không đạt yêu cầu, chỉ khoảng 9.000 đồng/bữa/người. Đó là chưa tính lợi nhuận của nhà cung cấp 1.000 đồng/bữa/người, thì giá trị thực của bữa cơm chỉ còn khoảng 8.000 đồng. Với mức giá như vậy, việc các nhà bếp chọn mua thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc là khó tránh khỏi.
Không những vậy, kết quả chương trình giám sát chủ động, lấy hàng chục nghìn mẫu thực phẩm tại các vùng miền khác nhau, cho thấy tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả vẫn chiếm 3-5% (khối lượng đầu vào). Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, thực phẩm đầu vào phải truy xuất được nguồn gốc nhưng đối với những bữa ăn tập thể, bữa ăn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng nghìn suất ăn, thì việc này là không thể. Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc quản lý ATTP.
… đến hàng nghìn ca ngộ độc
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ NĐTP tại các bếp ăn tập thể, làm cho hàng nghìn người lao động phải nhập viện; riêng năm 2015, xảy ra hơn 30 vụ nghiêm trọng, làm trên 3.000 người nhập viện. Còn tính từ ngày 17-12-2015 đến 17-5-2016, cả nước xảy ra 35 vụ nghiêm trọng, làm 1.855 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, số vụ ngộ độc trong 4 tháng đầu năm 2016 đã bằng số vụ xảy ra trong năm 2014 và kém năm 2015 chỉ 1 vụ. Số vụ NĐTP tiếp tục gia tăng vào mùa hè với nguyên nhân thức ăn bị nhiễm vi sinh vật do thời tiết nóng bức gây ra. Cùng với đó là một số trường hợp bị ngộ độc do hấp thụ phải hóa chất tồn dư trong thực phẩm.
Mới đây, ngày 28-7, Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Phước đã ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động cung cấp thức ăn của Công ty TNHH Happy Spoon - Chi nhánh 2 (ở lô A5, KCN Minh Hưng - Hàn Quốc, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) - đơn vị để xảy ra NĐTP, khiến 33 công nhân của Công ty TNHH Lisheng nhập viện ngày 25-7. Điều đáng chú ý, đây là lần thứ hai Công ty Happy Spoon để xảy ra NĐTP đối với công nhân Công ty Lisheng. Lần thứ nhất xảy ra ngày 21-4, công ty này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hơn 60 triệu đồng. Trước đó, 96 công nhân của Công ty TNHH Worldon Việt Nam đóng tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) sau khi ăn cơm trưa đã phải nhập viện do bị NĐTP vào chiều tối 13-5. Trong khi chỉ cách đó một ngày, cũng tại công ty này, đã có 54 công nhân phải nhập viện sau khi ăn bữa trưa. Những con số trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
(Còn nữa)