Kẽ hở cho gian lận thuế
Kinh tế - Ngày đăng : 06:39, 30/07/2016
Việc hạn chế giao dịch bằng tiền mặt sẽ làm giảm các kẽ hở cho hành vi gian lận thuế.Ảnh: Ngọc Linh |
Không lấy hóa đơn, giá rẻ hơn 10%
Liên hoan, chiêu đãi đối tác, tổ chức hội nghị khách hàng... là những hoạt động không thể thiếu trong đời sống xã hội. Vì vậy, khu vực kinh doanh thương mại, ăn uống, dịch vụ những năm gần đây khá phát triển và đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách. Song bên cạnh những nhà hàng thực hiện nghiêm quy định nhà nước, vẫn còn không ít đơn vị cố tình "lách" thuế, làm thất thu lớn đối với ngân sách và gây ra sự bất bình đẳng giữa những người nộp thuế.
Chị Hoàng Phương Anh, Giám đốc marketing của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, do đặc thù công việc, chị thường xuyên phải chiêu đãi đối tác. Để được thanh toán, các khoản chi phải có hóa đơn tài chính hợp lệ. Nhưng khi yêu cầu lấy hóa đơn cũng đồng nghĩa với việc giá thành bị cộng thêm 10%, trong khi không lấy hóa đơn, nhà hàng sẽ tính đúng giá niêm yết. "Như vậy, người thực hiện đúng quy định lại bị mua hàng đắt hơn" - chị Phương Anh chia sẻ.
Theo quy định của Bộ Tài chính, tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, dịch vụ phải lập hóa đơn và giao cho khách hàng. Tuy nhiên, tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ. Thực tế này đã khiến việc kê khai doanh thu của đơn vị chủ yếu phụ thuộc vào... tinh thần tự giác của chủ nhà hàng.
Nhận xét về thực trạng này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, chính ý thức chưa cao của khách hàng và sự lỏng lẻo trong các quy định pháp lý đã tạo điều kiện cho gian lận nảy sinh. "Ở nước ngoài, khách hàng mua hay sử dụng bất kỳ dịch vụ gì, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ đều lập tức in hóa đơn. Nếu không in hóa đơn, cả hai bên mua và bán đều vi phạm pháp luật và hành vi gian lận thuế sẽ bị xử phạt rất nặng" - ông Vũ Vinh Phú nói.
Tổng cục Thuế đang xây dựng kế hoạch chống thất thu đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ. |
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán một cách phổ biến là kẽ hở khiến sai phạm về thuế nảy sinh. Khi mọi thanh toán đều được thực hiện qua tài khoản (ngân hàng) thì việc thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách sẽ không "vất vả" như hiện nay.
Xác định trọng điểm kiểm tra
Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2016-2020 vừa tổ chức, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quyết liệt chống thất thu thuế, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các đối tượng nộp thuế theo hình thức khoán. Trong đó, yêu cầu trọng tâm là các cơ sở kinh doanh phải có hóa đơn hạch toán theo quy định.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đang xây dựng kế hoạch chống thất thu đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ. Các tỉnh, thành phố lớn được tập trung chỉ đạo gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... Đặc biệt, cơ quan thuế cấp trên sẽ thanh tra, kiểm tra đối với những đối tượng trọng điểm ở chi cục; đồng thời, các chi cục thực hiện kiểm tra chéo nhằm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực thuế.
Ngành Thuế dự kiến, riêng lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ, từ nay đến cuối năm tăng thu cho ngân sách khoảng 4.500 tỷ đồng, sau khi kiểm tra, bảo đảm công bằng cho người nộp thuế. Trong đó, TP Hồ Chí Minh dự kiến có thể tăng thu khoảng 1.500 tỷ đồng, TP Hà Nội hơn 700 tỷ đồng, Bình Dương gần 200 tỷ đồng... Theo ông Bùi Văn Nam, Ngành Thuế chủ trương đề cao việc vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức tự kê khai, tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế. Song, nếu các đơn vị vẫn cố tình khai báo sai với thực tế, cơ quan thuế sẵn sàng cử cán bộ tới cơ sở giám sát trực tiếp.
Ngay sau khi có chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã đưa việc thanh tra khu vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn vào diện trọng điểm. Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu thuế từ Cục Thuế đến các chi cục trực thuộc. Cục Thuế cũng đã báo cáo UBND TP Hà Nội và xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương để triển khai. Theo kế hoạch, Cục Thuế sẽ chọn một số đơn vị thuộc diện trọng điểm để kiểm tra.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết: Việc xác định doanh thu không xuất hóa đơn được thực hiện theo phương pháp tính thuế khoán, áp dụng đối với hộ kinh doanh không có sổ sách kế toán, không lưu giữ được hóa đơn, chứng từ. Các hộ kinh doanh ổn định có thể tự xác định mức doanh thu không xuất hóa đơn dựa trên số liệu năm trước. Đối với hộ mới kinh doanh, căn cứ theo mức của hộ có cùng ngành nghề, quy mô, địa bàn. Cơ quan thuế hằng năm sẽ điều tra thực tế để có cơ sở dữ liệu ấn định mức doanh thu, nếu kê khai của hộ kinh doanh không phù hợp. Mức doanh thu khoán này còn có sự tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn. |