Mặt trận thứ năm

Thế giới - Ngày đăng : 06:29, 01/08/2016

(HNM) - Cơ quan tình báo Nga vừa cho biết, mạng máy tính của 20 tổ chức, trong đó có các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp quốc phòng của nước này đã bị nhiễm mã độc. Nga cho rằng đây là một vụ tấn công mạng có chủ đích và đã được phối hợp tổ chức.

Các vụ tấn công mạng để lại nhiều hậu quả nặng nề.



Vụ tấn công xảy ra khi tin tức về việc trang mạng Wikileaks bất ngờ tiết lộ 20.000 bức thư điện tử của nội bộ đảng Dân chủ (Mỹ) vẫn đang là chủ đề nóng bỏng. Nội dung của các bức thư cho thấy, ban lãnh đạo đảng này đã tìm cách hủy hoại chiến dịch tranh cử của ông Bernie Sanders nhằm tạo lợi thế cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ. Vụ bê bối đã thổi bùng lên làn sóng phản đối khiến Chủ tịch Ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ (DNC) Debbie Wasserman Schultz phải từ chức. Ngay sau đó, nhóm vận động tranh cử của ứng viên Tổng thống H.Clinton thông báo mạng lưới máy tính của họ lại vừa bị tin tặc đột nhập. Các đối tượng đã tiếp cận được chương trình phân tích dữ liệu của nhóm sau khi xâm nhập hệ thống máy tính của DNC. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã vào cuộc để tìm hiểu "độ chính xác, bản chất và mục đích" của những báo cáo về các vụ tấn công này.

Những vụ việc mới nhất đã một lần nữa làm nóng lên những nguy cơ và mức độ nguy hiểm của các vụ tấn công mạng vốn đã được các chuyên gia cảnh báo có thể sẽ trở thành các cuộc chiến tranh công nghệ. Một trong những sự vụ điển hình là tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài suốt nhiều năm qua. Phía Mỹ thường xuyên đưa ra những cáo buộc rằng, gián điệp mạng của Trung Quốc đã liên tục xâm nhập mạng lưới cơ sở quan trọng của nước này. Vấn đề nêu trên đã trở thành chủ đề "nóng" trong nhiều cuộc họp giữa hai bên, trong đó có cả cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Washington tháng 9-2015. Để chứng minh cho sự tồn tại của mối đe dọa này, năm 2014, Mỹ đã truy tố 5 quan chức quân đội Trung Quốc vì liên quan các hành vi tấn công mạng, sự kiện khiến quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng. Một báo cáo được công bố bởi Hãng bảo mật Mandiant ở Mỹ năm 2013 cho biết, gần 90% các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong khi đó, FBI cho biết số vụ tấn công mạng do Trung Quốc thực hiện trong năm 2015 tăng 53% so với năm trước.

Dù ai là chủ mưu thì bên cạnh những vụ xâm nhập để đánh cắp thông tin, cuộc tấn công mạng nhằm mục đích phá hoại sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề. Chúng có thể làm tê liệt hệ thống cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia, như hệ thống điện, giao thông, thông tin liên lạc, vệ tinh, làm tê liệt các hệ thống thông tin nội bộ của quân đội, ngăn cản quá trình giao dịch tài chính quốc tế… Và cũng có vô số cách thức để tấn công mạng, từ đơn giản như đánh sập máy chủ bằng dịch vụ phân tán (DDos) tới phức tạp như chiếm quyền điều khiển của cả một mạng lưới máy chủ rộng lớn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, những mối nguy hiểm đối với an ninh, an toàn của các quốc gia ngoài súng đạn còn đến từ những chiếc bàn phím. Đã có những nhận định rằng, thế giới ảo đã làm thay đổi bản chất của cuộc chiến, mở cánh cửa để chiến tranh bước vào mặt trận thứ năm, sau trên bộ, trên không, trên biển và trên không gian. Xét ở nhiều góc độ, thiệt hại từ những cuộc chiến trên mạng không kém những cuộc đối đầu bằng súng đạn. Và, dẫu biết hậu quả ghê gớm đối với an ninh cũng như sự phát triển của nhân loại thì việc chống lại và tự vệ trước các cuộc tấn công từ thế giới ảo vẫn cực kỳ khó khăn. Nói như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, “trận Trân Châu cảng kế tiếp có thể là một cuộc chiến tranh mạng”.

Quang Huy