Đã rõ "địa chỉ" trách nhiệm
Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 01/08/2016
Sau vụ tai nạn nghiêm trọng này, hàng loạt lỗ hổng trong công tác quản lý đã bộc lộ. Không chỉ riêng ở Vĩnh Hy mà ở khắp các vùng biển trên cả nước, từ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), biển Vũng Tàu…, đều thấy các nhà nổi dạng này, dần dần trở thành những “điểm nhấn” du lịch của địa phương. Những chiếc bè nổi thực chất chỉ là lồng bè nuôi thủy sản, được hoán cải để kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không phải nhà hàng nổi, không có giấy phép đăng ký, đăng kiểm, nhưng vẫn được địa phương cấp đăng ký kinh doanh.
Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đều khẳng định, hầu hết nhà bè nổi phổ biến hiện nay có kết cấu bằng các thanh gỗ, tre liên kết với nhau và đặt trên các vật nâng như thùng phuy, phao nhựa… rất thô sơ. Đây chỉ là nhà bè, không được gọi là nhà hàng nổi vì không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và không thuộc diện đăng ký, đăng kiểm. Các bè nổi này thuộc diện quản lý của các địa phương. UBND cấp tỉnh muốn cho hoạt động phải có biện pháp quản lý. Thực tế, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã không ít lần từ chối cấp chứng nhận “nhà hàng nổi” cho các nhà bè này. Các cơ quan chức năng cũng chưa có số liệu thống kê toàn quốc về phương tiện nhà hàng nổi, bè nổi đang kinh doanh dịch vụ ăn uống, dù Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu các địa phương thống kê, phân loại dịch vụ kinh doanh trên đường thủy, trong đó có nhà hàng nổi, nhà bè, nhưng gần như không nhận được phản hồi.
Qua vụ việc xảy ra ở Ninh Thuận, đã đến lúc không thể chỉ là “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, dường như các địa phương vẫn chưa thấy hết sự nghiêm trọng. Vì thế, những ngày qua, nhiều khách du lịch phản ánh, các bè nổi ở Nha Trang, Quảng Ninh… vẫn vô tư hoạt động, du khách vẫn vô tư ăn uống.
"Lỗ hổng" trong công tác quản lý đã rõ. Việc “vá” những lỗ hổng ấy như thế nào, trách nhiệm thuộc về các địa phương hiện đang tồn tại loại hình dịch vụ này.