Tăng mức xử phạt để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Giao thông - Ngày đăng : 07:09, 01/08/2016

(HNM) - Từ hôm nay 1-8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực. Với những mức xử phạt nặng hơn, Nghị định 107/2014/NĐ-CP sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.



Ông Nguyễn Thái Hòa (khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình):Tăng mức xử phạt là cần thiết

Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép sẽ bị phạt tiền với mức lên tới 16 - 18 triệu đồng tùy mức độ. Trong trường hợp người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị áp dụng mức phạt như trên. Thực tế cho thấy, việc tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn là cần thiết vì theo thống kê của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia gây ra trung bình mỗi năm chiếm tới 16 - 20%. Hơn nữa, tỷ lệ này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Phần lớn các vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia thường rất nghiêm trọng về cả tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản, đe dọa an toàn giao thông đối với người khác. Vì vậy, với mức phạt cao vừa răn đe vừa nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Mọi người đều phải thực hiện nguyên tắc: Đã sử dụng rượu bia thì không được lái xe.

Bà Đỗ Thị Trang (phố Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy): Mức phạt trước đây chưa đủ sức răn đe

Điểm chung dễ nhận thấy của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, các hành vi là nguyên nhân chính gây TNGT nghiêm trọng đều đã được điều chỉnh nâng cao mức phạt tiền cũng như phạt bổ sung. Một số hành vi mới được quy định như xử phạt người điều khiển xe ô tô sử dụng điện thoại di động sẽ bị phạt cao nhất là 800.000 đồng. Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân gây TNGT do mất tập trung khi lái xe. Điều kiện hạ tầng đã tốt lên, tốc độ được tăng thêm, vì vậy đòi hỏi phải tập trung cao khi lái xe. Tuy nhiên, đi trên đường chúng ta sẽ không khó bắt gặp hình ảnh người điều khiển ô tô, xe máy vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại. Tôi cho rằng, việc tăng mức phạt liên quan đến các nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây ra TNGT lần này sẽ tác động đến ý thức của người tham gia giao thông. Dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực xử lý các hành vi này, nhưng vi phạm vẫn xảy ra phổ biến. Mức phạt như trước đây chưa đủ sức răn đe, do vậy việc cần phải nâng mức tiền xử phạt để người vi phạm “xót của” và không dám tái phạm.

Chị Nguyễn Thị Phương Anh (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai): Cần xử nghiêm lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn vàng

Tôi đã từng bị tai nạn vì chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ, dừng xe khi có tín hiệu đèn vàng, trong khi người đi sau cố vượt đèn vàng đã đâm vào tôi. Nhiều lần khác, tôi muốn dừng đèn vàng thì bị người điều khiển phương tiện phía sau bóp còi inh ỏi thúc giục, thậm chí còn mắng mỏ vì cho rằng tôi “ngáng” đường đi. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, “tín hiệu đèn vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”, việc cố tình vượt từ dưới lên khi đèn vàng đã bật sáng là phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Hành vi này có nguy cơ gây tai nạn cho người đi phía trước và luồng phương tiện cắt ngang rất lớn nên cần xử phạt nghiêm như mức phạt vượt đèn đỏ.

Anh Nguyễn Ngọc Trung (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm): Phải giám sát công tác kiểm tra, xử lý vi phạm


Nghị định 46/2016/NĐ-CP tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng chất gây nghiện, vi phạm tốc độ, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện hay không gạt chân chống khi chạy xe… vì tính chất nguy hiểm và mức độ gây TNGT lớn, để lại hậu quả nặng nề. Mức phạt tương đương tháng lương hoặc gấp nhiều lần thu nhập thường xuyên sẽ khiến người tham gia giao thông nâng cao ý thức bảo đảm an toàn cho bản thân và người khác. Tuy nhiên, để người dân chấp hành nghiêm túc các hình thức xử phạt, lấy đó làm bài học cho mình thì lực lượng xử lý vi phạm cũng phải nghiêm minh khi thực thi nhiệm vụ. Tình trạng tiêu cực trong đội ngũ lực lượng giữ gìn trật tự an toàn giao thông cần được điều tra xác minh và xử lý kịp thời thì mới xóa bỏ tâm lý của nhiều người hiện nay khi cứ vi phạm rồi thỏa thuận, mặc cả mức phạt nhẹ nhất.

Duy Biên - Thùy Ngân