8 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính: Thành quả là điểm tựa vững chắc

Chính trị - Ngày đăng : 06:24, 01/08/2016

(HNM) - 8 năm, quãng thời gian không dài so với lịch sử Thăng Long - Hà Nội nhưng đã để lại nhiều dấu ấn.

Sau 8 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Nguyễn Phú Lộc


Thành quả nổi bật

Diện tích của Hà Nội hôm nay bằng 1% và dân số gần bằng 1/10 dân số cả nước. Việc hợp nhất Hà Nội, Hà Tây và một số địa phương liên quan đã tạo điều kiện, cơ hội, bổ sung nguồn lực, sức mạnh cho Hà Nội vươn lên với một tầm vóc mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, của thời đại.

Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, lãnh đạo cấp ủy hai Đảng bộ Hà Nội và Hà Tây đã chủ động tiến hành hợp nhất tổ chức, bộ máy, sắp xếp bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị; nhất thể hóa các cơ chế, chính sách của các địa phương tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc điều hành, quản lý; rà soát, khớp nối các quy hoạch, các dự án... Một khối lượng công việc hết sức đồ sộ, vô cùng hệ trọng, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ những công việc tiếp theo đã được khẩn trương triển khai trên tinh thần "đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của đất nước.

Từ tiền đề quan trọng ấy, 8 năm qua, Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ với hàng chục công trình lớn, hiện đại được đưa vào sử dụng. Hệ thống hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện với các tuyến đường vành đai, các đường trục hướng tâm, các tuyến đường cao tốc và những cây cầu... Một dấu ấn, quan trọng không thể không nhắc tới, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đến nay, số lượng quy hoạch thành phố hoàn thành đã nhiều hơn 10 năm trước cộng lại.

Vùng nông thôn - ngoại thành sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính cũng có sự chuyển biến tích cực. Bình quân trong giai đoạn 2011-2015, mỗi xã được đầu tư gần 80 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6-2016, toàn thành phố đã có 201/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới; một huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 3 huyện đang chờ phê duyệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội đã tăng từ 14 triệu đồng (năm 2011) lên 33 triệu đồng/người/năm (năm 2015), cao hơn khoảng 4 lần so với năm 2008.

Sau 8 năm hợp nhất, bộ mặt đô thị và nông thôn Hà Nội đã khang trang hơn, thành phố đã tạo dựng được những giá trị mới để bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm vóc và vị thế mới.

Chuyển động tích cực

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nhận định: "Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVI đến nay, tôi nhận thấy một không khí làm việc khẩn trương và quyết tâm cao trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố...". Có thể nói, “chìa khóa” thành công của thành phố chính là sự không ngừng đổi mới nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố vào cuộc sống, Thành ủy đã ban hành 8 chương trình công tác toàn khóa với nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức thực hiện. Nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề. Đồng thời, để tháo gỡ những bất cập trong phát huy nguồn lực về đất đai, tạo điều kiện thu hút mạnh đầu tư phát triển, Ban Thường vụ Thành ủy đang xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác giải phóng mặt bằng...

Điểm nhấn trong các mục tiêu, chỉ tiêu được xác định trong các chương trình, nghị quyết nêu trên là Hà Nội quyết tâm dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, lọt vào tốp 10 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 5 năm tới. Quyết tâm còn thể hiện rõ trong quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: “Thành phố kiên quyết xử lý những cán bộ "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", làm đủ 8 tiếng nhưng không ra sản phẩm gì. Cấp ủy, chính quyền không hoàn thành được nhiệm vụ, lãnh đạo phải chịu kiểm điểm”.

Với phương châm “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), “một việc - một đầu mối xuyên suốt”, thành phố quyết tâm đổi mới để cả bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: Xác định người dân và doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ”. Cùng với việc tăng cường cải cách hành chính, cắt giảm thời gian thực hiện nhiều thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức..., Hà Nội đã tổ chức hội nghị thu hút đầu tư quy mô lớn, đồng thời lãnh đạo thành phố thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch, giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo 7 sở, ngành với yêu cầu tăng 5 - 7 bậc về chỉ số PCI trong năm 2016.

Với những nỗ lực nêu trên, tính đến nay, thành phố đã thu hút 1,95 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng gấp hơn 3,15 lần so với cùng kỳ năm trước và cao gấp gần 2 lần cả năm 2015. Cùng với đó, diện mạo đô thị Thủ đô có nhiều chuyển biến, Hà Nội đã sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn. Nhiều chủ trương mới, chương trình mới triển khai đã nhận được sự đồng thuận của người dân, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận như cơ giới hóa hệ thống thu gom rác, cắt tỉa cây; khởi động trồng 1 triệu cây xanh, xây dựng 25 công viên trong 5 năm tới; rồi việc hình thành tuyến đường kiểu mẫu (đường Lê Trọng Tấn) …

Với tinh thần đổi mới và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và những đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thay mặt lãnh đạo thành phố đã cam kết bảo đảm kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, đồng thời chú trọng đến an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường; bảo đảm sự công bằng, nhanh chóng, thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp…

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Hà Nội đang bước tiếp hành trình đổi mới một cách vững chắc.  

Võ Lâm