Thế giới cũng không dự báo bão số 1 có cường độ mạnh
Công nghệ - Ngày đăng : 06:28, 02/08/2016
Bão số 1 làm gãy, đổ hàng nghìn cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn |
- Đã có ý kiến cho rằng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trong cơn bão số 1 vừa qua chưa chính xác. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trước hết, tôi muốn nói đến nguyên tắc của công tác dự báo khí tượng thủy văn, quy chế chung của ngành và quy định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). Theo đó, từng quốc gia, phát triển hay đang phát triển, sẽ có sự dịch chuyển về độ sai số nhưng đều phải đúng trình tự nguyên tắc. Với dự báo thông thường, mỗi ngày cơ quan dự báo sẽ lấy kết quả quan trắc 4-8 lần để đánh giá, chạy mô hình và làm bản tin cập nhật. Còn khi có hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như bão, đơn vị dự báo phải trực 24/24 giờ, lấy thông số kết quả quan trắc từng giờ, thậm chí 30 phút/lần; trên cơ sở đó, cập nhật thời tiết theo giờ, phòng chống các đột biến không đáng có. Với cơn bão số 1 vừa qua, tôi nghĩ cũng nằm trong quy trình đó và không có gì là bất thường.
- Nhưng cơn bão đã gây nhiều thiệt hại, liệu có phải do cảnh báo chưa đúng mức độ, thưa ông?
- Tôi cho là có một tình huống tương đối nhạy cảm. Ngành Điện bị thiệt hại nặng nhất và người ta nói rằng, do dự báo không chính xác về cường độ bão dẫn đến đổ cột điện hàng loạt. Nhưng ngược lại, nếu dự báo chính xác thì hàng nghìn cột điện ấy có đổ không? Cơn bão vừa qua, tôi chắc chắn không phải là bão mạnh. Lý do, tất cả thông tin dự báo từ số liệu vệ tinh, ra đa trên thế giới đều không dự báo cơn bão này mạnh. Thêm nữa, nếu là cơn bão mạnh thì một trong những dấu hiệu là nước biển dâng do bão ở vùng ven bờ. Cơn bão vừa qua, tôi chưa thấy thông tin nước dâng gây thiệt hại cho người dân. Còn các cột điện đổ đều nằm trong đất liền, có nghĩa thiết kế của các công trình đó chưa tính đến yếu tố khí tượng thủy văn.
- Ông có nhận xét gì về công tác dự báo khí tượng thủy văn trong thời gian qua?
- Trước năm 2000, Việt Nam chưa có mô hình DBTT nghiệp vụ. Từ năm 2000, trên cơ sở hợp tác giữa Đại học Khoa học tự nhiên, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia với Cục Phục vụ thời tiết và Đại học Munich (Đức), chúng ta đã có mô hình DBTT chuyển giao từ Đức; thử nghiệm lần đầu tiên tại Đại học Khoa học tự nhiên, sau đó chuyển cho Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương năm 2002. Từ đó, Ngành Khí tượng thủy văn đã có bước tiến dài, từ dự báo định tính chuyển sang dự báo định lượng. Mặc dù vậy, công tác này vẫn còn hạn chế, chưa thể bằng các quốc gia tiên tiến nhưng bản tin dự báo đã chi tiết hơn, độ chính xác cao hơn nhiều. Tuy nhiên, để đáp ứng kỳ vọng của người dân cần đầu tư, nâng cấp nhiều trang thiết bị hiện đại nữa.
- Khác với quy luật, năm nay tháng 7 mới có cơn bão đầu tiên. Đây có phải là hiện tượng bất thường của thiên nhiên?
- Thông thường, tháng 4-5 xuất hiện những cơn bão đầu tiên, nhưng cũng không nhất định là phải như vậy. Có năm, tháng Giêng đã có bão. Năm 2015-2016, diễn ra hiện tượng El Nino, kéo dài nhất trong lịch sử. Bão muộn là do hiện tượng này nên cũng không có gì là bất thường. Sau El Nino bão sẽ nhiều hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!